Sáu tháng đầu năm 2013, toàn vùng đã tổ chức dạy nghề cho 38.040 lao động nông thôn, bằng 29% kế hoạch năm 2013.
Một số địa phương đã xây dựng các mô hình dạy nghề điển hình đạt hiệu quả cao để triển khai nhân rộng. Tại Bến Tre có mô hình đào tạo nghề theo địa chỉ với nghề may công nghiệp, người học được giải quyết việc làm ngay sau khi đào tạo với mức lương tối thiểu 1,8 đồng/người/tháng; dạy nghề theo mô hình trồng cây chuyên canh, xen canh như nghề trồng cây dừa, nghề trồng dừa và ca cao đan xen, số lao động có việc làm ổn định sau học nghề đạt trên 80%.
Hai tỉnh An Giang và Hậu Giang xây dựng mô hình dạy nghề kỹ thuật trồng lúa giống, kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao. Các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Trà Vinh xây dựng mô hình dạy nghề đan ghế nhựa tận dụng thời gian nhàn rồi của lao động nông thôn để tăng thêm thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 70-80%, mức thu nhập bình quân tăng thêm 1,5 triệu đồng/người/tháng; dạy nghề may công nghiệp, lao động được giải quyết việc làm đạt 100%, thu nhập ổn định từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.
Thành phố Cần Thơ có mô hình dạy nghề kết cườm và trồng nấm linh chi đã được doanh nghiệp ký kết hợp đồng gia công và bao tiêu sản phẩm giải quyết việc làm ổn định và lâu dài cho người lao động.
Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh đang triển khai mô hình dạy nghề thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân trên tàu đánh bắt xa bờ; dạy nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản.
Tuy nhiên, còn một số hạn chế cần được khắc phục sớm trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, mạng lưới cơ sở dạy nghề còn thiếu và nhiều bất cập; còn 26/130 huyện chưa bố trí cán bộ chuyên trách về dạy nghề tại phòng LĐTBXH huyện; 24 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang chưa thành lập trung tâm dạy nghề hoặc trường trung cấp nghề trên địa bàn huyện. Việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dạy nghề cho lao động nông thôn đạt thấp.
Bích Liên-Xuân Quang
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn