Anh Trần Trung Quốc, ở ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) trồng hơn 1ha đậu bắp bán cho người Nhật.
"Mỗi ngày nhà tôi hái được từ 300-400kg trái đậu bắp, bán giá tại rẫy là 4.000 đồng/kg cân xô, còn đậu lựa là 7.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí trả công hái trái, tôi còn lời hơn 1 triệu đồng/ngày..", anh nói.
Theo Báo Hậu Giang, nhiều người dân ở đây cho rằng từ trước đến giờ chưa từng trồng đậu bắp với diện tích nhiều, có chăng cũng chỉ là số ít để ăn và bán lẻ. Sau khi được cán bộ khuyến nông, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, Công ty Thủy sản Bạc Liêu cung cấp hạt giống, hợp đồng bao tiêu, thu mua trái xuất khẩu sang Nhật nên bước đầu nông dân chỉ trồng thử nghiệm vài chục hộ, với diện tích hơn 12ha, nhưng không ngờ cây đậu bắp cho năng suất rất cao, lợi nhuận nhiều hơn gấp mấy lần cây màu khác.
Ông Trần Hoài Nhân, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, cho biết: Đậu bắp là cây rau, thuộc họ bông nên rất dễ trồng và bố trí thời vụ cũng không khắt khe. Năng suất trung bình từ 18 đến hơn 20 tấn trái/ha/vụ và khả năng thu hoạch kéo dài từ 2-3 tháng/vụ. Với giá bán từ 4.000-7.200 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, người trồng có thể mang về lợi nhuận khoảng 95-100 triệu đồng/ha/vụ trồng.
Theo ông Nhân, nếu bà con nông dân xuống giống đậu bắp đúng theo lịch thời vụ Đông xuân thì sau 1,5 tháng sẽ cho lứa trái đầu tiên. Sau khi thu hoạch trái, nếu cây lên cao có thể đốn bớt ngọn để cây đâm nhánh nhiều hơn và sẽ cho trái tiếp tục. Bởi cây đậu bắp cho thu hoạch thường xuyên và liên tục, theo đà phát triển của cây mà người trồng có thể thu hoạch từ 300-400kg/ha/ngày.
Không chỉ ở Hậu Giang, tại xã An Sơn, huyện Nam Sách (Hải Dương), từ một vài hộ trồng đậu bắp bán lẻ ra thị trường, đến nay diện tích thâm canh cây trồng này ở đây đã lên tới vài ha.
Zing đưa tin, nông dân xã An Sơn ban đầu đem bán lẻ cho các thương lái ở Hà Nội, Hải Phòng với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, thu lãi 25 - 30 triệu đồng/sào/vụ/7 tháng. Đến nay diện tích trồng lớn, quả lại thu hàng ngày nên họ chọn phương thức bán đổ cho thương lái với giá từ đầu vụ 6.000 đồng/kg quả tươi. Với năng suất trung bình 1,5 tấn quả/sào/vụ, trừ chi phí, lãi thu về khoảng 8,5 - 9 triệu đồng.
Đậu bắp bắt đầu gieo trồng từ vụ xuân, thu hoạch kéo dài đến mùa đông sẽ cho năng suất cao nhất. Nông dân trồng đậu bắp từ khoảng trung tuần tháng 3 dương lịch. Sau 1,5 tháng sẽ cho lứa quả đầu tiên. Đến tháng 8, tháng 9 khi cây cao, họ tiến hành đốn bớt ngọn để cây đâm nhánh nhiều hơn. Sau đốn khoảng 10 - 15 ngày và bổ sung dinh dưỡng, đậu bắp sẽ lại tiếp tục cho lứa quả tiếp theo.
Ông Đỗ Đình Đoàn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Sơn cho biết, đậu bắp là cây trồng mới của địa phương nên bước đầu tiêu thụ còn hạn chế do chưa mở rộng được thị trường. Khi SX được quy vùng tập trung, được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, hỗ trợ thì cây trồng này sẽ có đầu ra ổn định hơn…
Đậu bắp cho thu hoạch thường xuyên và liên tục (trung bình ngày thu hái 1 lần). Tùy theo sự phát triển của cây mà người trồng có thể thu từ 10 - 30 kg/lần/ngày. Dù hiện tại nông dân trồng đậu bắp bán đổ cho thương lái với giá cả thấp hơn nhiều so với bán lẻ nhưng họ vẫn muốn mở rộng diện tích, bởi đây là cây rất dễ tính, “làm chơi, ăn thật”.
Ông Trần Văn Kỷ ở xã An Sơn có nhiều năm thâm canh cây trồng cho biết, địa phương ông có truyền thống phát triển 2 cây rau là mùi tàu và đậu bắp. Cây mùi tàu cho thu nhập cao hơn nhưng mất rất nhiều công chăm sóc, sâu bệnh lại gây hại mạnh. Khi trồng phải có giàn, mái che nên đầu tư công sức, tiền của nhiều hơn. Một nhân công lao động có thể thâm canh được 5 sào đậu bắp nhưng với cây mùi tàu thì chỉ làm được khoảng 2 sào là "bở hơi tai".
"Đậu bắp rất dễ tính, càng nắng càng cho năng suất cao vì quả lớn nhanh. Trung bình 1 tháng mới phải bón phân, phòng trừ sâu bệnh 1 - 2 lần và cây cũng không kén chọn đất. Đậu bắp rất hiếm khi bị sâu bệnh hại, chỉ hay bị sâu xanh gặm nõn thời kỳ đầu vụ và rệp hại thời điểm giữa vụ, nếu để thân lá quá um tùm. Kinh phí đầu tư cho 1 sào đậu bắp cũng rất thấp, chỉ khoảng 500.000 đồng, gồm cả giống, phân bón, thuốc BVTV", ông Kỷ chia sẻ.
Anh Vũ Văn Đô, một thương lái cho biết, anh trực tiếp đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, sau đó bao tiêu sản phẩm. Việc thu mua được tiến hành hàng ngày và hầu như không loại bỏ quả nào. Nông dân thu hái đến đâu, anh thu mua hết đến đó nên họ không bị ế hàng…
Theo Dũng Linh/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn