Thiết kế chuồng: Ðảm bảo yếu tố thông thoáng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Diện tích của chuồng khác nhau tùy vào số lượng chim công nuôi dưỡng thực tế. Thông thường chuồng có chiều rộng 3,5 - 4 m, chiều dài 5 - 6 m, cao 2,7 - 3 m. Với diện tích này có thể nuôi 4 - 6 cá thể chim trưởng thành (tỷ lệ đực cái 1:1 hoặc 1:2) hoặc 10 - 15 cá thể chim công (6 - 12 tháng tuổi).
Tuỳ vào số lượng chim để bố trí diện tích phù hợp Ảnh: CTV
Tận dụng nhà kho, xưởng, chuồng heo, chuồng gà sẵn có để cải tạo thành chuồng nuôi chim công nhằm tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, cần thiết kế thêm một chuồng phụ với mục đích để chăm sóc riêng chim công trong bệnh, hay trong quá trình theo dõi bệnh để tránh lây nhiễm cho các cá thể khác.
Vật liệu làm chuồng: Có thể dùng tre, nứa, hay lưới B40 quây xung quanh hoặc làm vách ngăn. Nóc chuồng dùng lưới cước để chim không bay ra. Dùng các tấm lợp nhựa để lợp mái chuồng. Cần lưu ý không dùng lưới thép nhỏ hoặc cước ni lông làm vách ngăn vì chim sẽ lầm tưởng là thức ăn, dễ dẫn đến thủng ruột hoặc thắt diều.
Vệ sinh chuồng: Chuồng công phải luôn khô thoáng để phòng tránh bệnh. Dùng cát vàng rải nền chuồng để hút ẩm, công không bị bẩn và phòng ngừa giun, sán. Nếu có điều kiện nên thiết kế thêm phần sân phía trước để công có chỗ tắm nắng, vận động.
Chim công sau hai năm nuôi là đạt đến độ tuổi trưởng thành và bắt đầu có khả năng sinh sản. Tuy nhiên phải từ năm thứ 3, 4 trở đi khả năng sinh sản của chim mới ổn định. Có ba hình thức ấp nở cơ bản: Ðể chim mái tự ấp; Dùng chim, gà khác ấp (gà mái, ngỗng , ngan…); Và sử dụng máy ấp (đây là cách tốt nhất và cho tỷ lệ ấp nở thành công cao nhất, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật tỷ lệ thành công đạt tới 85%).
Thức ăn chủ yếu là thóc, ngô, kết hợp với cám tổng hợp dùng cho gia cầm. Ngoài ra cho ăn thêm rau xanh. Riêng con non sẽ có chế độ ăn khác hơn chim công trưởng thành. Theo đó, đối với con mới nở khẩu phần ăn là 100% cám gà tổng hợp. Sau 30 ngày tuổi, hệ tiêu hóa đã cứng cáp hơn có thể pha thức ăn theo tỷ lệ 70% cám tổng hợp và 30% ngô hoặc thóc nghiền. Ðặc biệt cần tăng cường nhiều rau xanh để tăng sức đề kháng, giúp công có bộ lông bóng mượt, màu sắc rực rỡ.
Sử dụng loại máng ăn, uống dùng cho nuôi gà, vịt để đựng thức ăn, nước uống cho chim. Thay nước định kỳ 1 lần/ngày (nếu không có hệ thống uống tự động). Nước sử dụng cho chim công tuyệt đối phải là nước sạch. Với chim non nên dùng nước đun sôi để nguội để bảo vệ hệ tiêu hóa còn non nớt. Thường xuyên vệ sinh máng ăn, uống để tránh mầm bệnh gây hại.
Chim công là loài có sức đề kháng cao nên ít bị bệnh. Trường hợp công bị bệnh, cách điều trị cũng đơn giản. Trong quá trình nuôi nên chú ý vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng định kỳ tại chuồng nuôi và khu vực phụ cận. Theo dõi diễn biến của thời tiết để có biện pháp bảo vệ chuồng nuôi tốt nhất.
Nguồn: nguoichannuoi.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn