Ông Nguyễn Văn Trương ở thôn 5, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu là một trong những hộ đã thành công với hình thức nuôi kết hợp này.
Ông Trương cho biết: Nuôi cua kết hợp với tôm tuy không lãi nhiều như nuôi tôm sú hay tôm thẻ đơn thuần, nhưng hiệu quả và an toàn hơn. Hơn nữa, hình thức nuôi này giúp cải thiện đáng kể môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư và giảm sức lao động.
Nhiều năm trước, ông nuôi tôm sú, tôm thẻ, nhưng hơn 3 năm nay, ông chuyển sang nuôi tôm kết hợp với cua. Thời gian đầu, ông thu gom giống cua ngoài tự nhiên, khai thác được loài cua nào, thì nuôi cua loài nấy, vì vậy sản lượng cua thành phẩm không đồng đều.
Sau khi ông mua cua giống (cua xanh) từ các trại sản xuất cua giống có uy tín, là những cua giống có kích cỡ đồng đều, sạch bệnh, sức đề kháng cao thì cua có tốc độ tăng trưởng nhanh, ít bệnh năng suất thu hoạch đạt cao hơn.
Theo kinh nghiệm của ông Trương, do ao nuôi nằm trong vùng chuyên canh nuôi tôm, nên nguồn nước, chất đất cũng phù hợp với tập tính sinh sống của cua, giúp cua phát triển tốt. Ông thả cua trước khoảng 35 – 40 ngày, sau đó mới thả tôm. Với diện tích 3,2 ha, mỗi vụ ông thả khoảng 15 vạn con giống, trong đó tôm sú chiếm 33%. Thời gian nuôi từ 5 – 6 tháng, khi cua đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg là có thể thu hoạch. Cua được thu hoạch trước và rải rác, tôm thu hoạch sau.
Ông cho biết, chi phí đầu tư 1 vụ khoảng 15 triệu đồng, với giá thu mua cua gạch hiện nay từ 240.000 – 280.000 đồng/kg, bình quân mỗi vụ, ông thu lãi từ 35 – 40 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí.
Để có kết quả đó, ông Trương đã tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Phú Yên tổ chức, đồng thời tham khảo tài liệu, tờ rơi, được cán bộ hướng dẫn kĩ thuật.
Thức ăn cho cua có thể là cá tạp tự nhiên hay thức ăn công nghiệp. Hằng ngày ông cho cua ăn vào lúc sáng sớm và chiều mát khi cua còn nhỏ, cua lớn hơn thì cho ăn 1 lần trong ngày. Thường xuyên thay nước và kiểm tra sức khỏe tôm, cua để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bệnh. Thay nước cũng giúp giữ được nguồn nước sạch, phòng tránh cua bị nhiễm bệnh khi ở giai đoạn lột xác.
Ông cho biết thêm, với cách nuôi xen canh này, cua ăn thức ăn thừa trong ao nên đã giúp cải tạo đáng kể nguồn nước, môi trường đáy ao, giảm đầu tư về thời gian và công chăm sóc, không cần sử dụng thuốc nhiều như nuôi tôm chuyên canh.
Từ thành công của việc nuôi tôm, cua kết hợp đã mở ra một hướng đi mới giúp bà con các vùng nuôi tận dụng các ao, hồ nuôi tôm không có hiệu quả chuyển sang nuôi cua, nhằm đa dạng hóa đối tượng, cải thiện môi trường nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người dân làm nghề nuôi thủy sản.
nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn