Nằm trong bối cảnh chung đó, quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng phải có những cách nhìn tổng thể và giải pháp trong quá trình xây dựng NTM. Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp bởi vậy khi bắt đầu thực hiện chương trình NTM không tránh khỏi những băn khoăn về cách tổ chức thực hiện xây dựng NTM ở một tỉnh công nghiệp cũng như điểm khác biệt trong công tác quy hoạch so với các địa phương khác.
Ðể tìm hiểu về cách làm cũng như kinh nghiệm xoay quanh vấn đề quy hoạch NTM, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh.
PV: Nhìn một cách tổng thể ông có đánh giá về công tác quy hoạch xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đã có những nhận diện để có giải pháp như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Ngay khi tỉnh triển khai quy hoạch đã được “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể, phát triển kinh tế - xã hội Quảng Ninh 2020 và tầm nhìn 2030”, Quảng Ninh xác định quy hoạch “3 trong 1” bao gồm: Quy hoạch về sản xuất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch môi trường được nhấn mạnh chung trong quy hoạch NTM cấp xã. Tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng phối hợp với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT hướng dẫn cho các địa phương lập các quy hoạch thành phần trong quy hoạch chung ở các xã.
Sau hơn một năm triển khai, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước 100% các xã có quy hoạch xây dựng NTM vào cuối năm 2011 và bắt tay vào thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, môi trường...
Quảng Ninh có điều kiện, đặc thù rất khác với các tỉnh thành trong cả nước. Là tỉnh biên giới hải đảo, đồng bằng, ven đô như một Việt Nam thu nhỏ, bởi vậy khi vận dụng bộ tiêu chí quốc gia vào xây dựng NTM đã có sự điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở không hạ thấp chất lượng yêu cầu của bộ tiêu chí. VD: Xã đảo cần có các tiêu chí riêng mà bộ tiêu chí chung chưa có là cầu cảng, bến cá, tàu cứu thương… Chứ ngoài đảo không quan tâm nhiều đến đường nội đồng mà cần phát triển giao thông đường biển nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển nghề biển của dân. Các tiêu chí khác đều cao hơn so với bộ tiêu chí. Ví dụ: Bộ tiêu chí quy định 70% hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh là đạt nhưng tiêu chí này ở Quảng Ninh là 85%, bảo hiểm y tế.
Để thực hiện được chương trình NTM, công tác quy hoạch được chú trọng, đặt ra là nhiệm vụ hàng đầu trong chương trình xây dựng NTM. Trên tinh thần đó, Ban chỉ đạo tỉnh rất quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu tất cả các địa phương trong năm 2011 phải hoàn thành quy hoạch cho 125 xã. Việc triển khai làm công tác quy hoạch đồng loạt, đã tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ trong phạm vi toàn tỉnh nhưng cũng gây khó khăn bởi thiếu các đơn vị tư vấn để lập quy hoạch, ảnh hưởng phần nào đến vấn đề chất lượng trong quy hoạch.
Trong quy hoạch chú trọng nhất vẫn là quy hoạch kết cấu hạ tầng, bởi có kết cấu hạ tầng tốt, giao thông đi lại thuận tiện mới có thể phát triển các lĩnh vực khác. Đối với những xã chưa có khả năng nâng cấp thành đô thị thì thực hiện theo đúng tinh thần của Bộ Xây dựng hướng dẫn. Đối với các xã có đủ điều kiện nâng cấp lên thành phường như Quảng Yên, Đông Triều, Móng Cái thì thực hiện quy hoạch theo quy hoạch đô thị để tránh lãng phí. VD: Đường ở Quảng Yên, Đông Triều tiêu chuẩn đường giao thông không phải 3,5m mà là 15m.
Có những tiêu chí khi áp dụng xây dựng cho từng địa phương cũng gây khó thực hiện như huyện đảo Cô Tô, do diện tích đất tự nhiên ít, phần lớn lại là đất của quốc phòng nên các xã huyện đảo khó khăn trong công tác xây dựng khu nghĩa trang.
Để tháo gỡ vấn đề này cũng cần có cách hiểu và làm một cách linh hoạt hơn, rất cần có sự vào cuộc của của Bộ Quốc phòng phối hợp, tạo điều kiện cho địa phương có quỹ đất để chính quyền xã xây dựng nghĩa trang theo tiêu chuẩn đề ra, đây cũng là mong muốn không chỉ có lãnh đạo mà cũng là ý kiến của dân huyện Đảo, quân và dân góp phần chung sức, chung nguồn lực cùng xây dựng NTM.
Nguồn lực cho xây dựng NTM ngay từ đầu đã có sự phân cấp, các địa phương chủ động kinh phí, lựa chọn các dự án thành phần trong việc thực hiện quy hoạch… VD: Những dự án huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân cùng làm sẽ được thực hiện trước. Đối với hạ tầng thôn xóm, ưu tiên vùng nào đông dân cư, có nhu cầu thực làm trước, thu hút sự tham gia hăng hái của người dân. Vùng thưa dân cư cần có sự hỗ trợ Nhà nước bởi hạ tầng nhiều mà số lượng dân ít.
Sau khi hoàn thành quy hoạch, chỉ đạo xuống các địa phương công khai quy hoạch. Trong quá trình thực hiện lập quy hoạch đã có sự tham gia của người dân. Thông tin quy hoạch xuống tận thôn, thôn họp các hộ dân, đưa ra cho người dân kiểm tra độ hợp lý. Sau khi có quy hoạch lại công khai đến thôn, xã. Hiện nay tất cả các xã đều có bản quy hoạch của các thôn trên địa bàn xã để người dân biết bản quy hoạch đã được phê duyệt, người dân phải thực hiện. Bên cạnh đó người dân cũng giám sát luôn việc tổ chức thực hiện. Việc này rất hữu ích bởi nếu không có quy hoạch và công khai quy hoạch thì việc thay đổi cán bộ ở địa phương đi kèm với nhận thức thay đổi sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện quy hoạch.
PV: Đánh giá về hiệu quả của công tác quy hoạch nông thôn mới, gần 5 năm qua tỉnh Quảng Ninh đã có những kết quả như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Hiệu quả và kết quả là thành công sau 5 năm quy hoạch xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt theo các vùng miền, đường quang, ngõ thoáng, các trung tâm cụm xã được phân định xây dựng chuẩn, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường đặc biệt được chú trọng hướng tới những làng quê xanh - sạch - đẹp không phải là khẩu hiệu nữa mà nó được thể hiện ngay vào cách nghĩ cũng như cách làm của người dân, họ vui mừng và ủng hộ, người dân không còn cảnh đi làm ăn xa mà nay họ làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình.
Kết quả dễ nhận thấy nhất sau quy hoạch giá đất tăng lên, quá trình cấp sử dụng đất địa phương có nguồn lực để thực hiện NTM. Quy hoạch NTM được tiến hành trên cơ sở quy hoạch cấp xã và có một quy hoạch chung cho liên vùng xã.
Hiện nay đã lập quy hoạch vùng 3 xã An Sinh, Bình Khê, Việt Dân theo hướng tạo sự liên kết vùng về hạ tầng, sản xuất, dịch vụ để không lãng phí tài nguyên. Không ngừng nâng cao tiêu chí về mặt số lượng, chất lượng. Có sự khác biệt hơn NTM là làm cho người dân tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ như người dân ở thành phố nhưng sống ở không gian nông thôn, có thể gọi là phố trong làng, tức là vẫn giữ được bản sắc nông thôn nhưng hưởng các tiện ích của thành phố.
Về quy hoạch sản xuất: 17 vùng chuyên canh sản xuất tập trung được hình thành, sản xuất các sản phẩm lợi thế của địa phương. Sự phát triển nông nghiệp, nông thôn không có điểm dừng, không chỉ phát triển về lượng mà còn về chất. Một số mô hình nông thôn tiên tiến đã được tiến hành thí điểm tại một số vùng.
Có quy hoạch vùng sản xuất, có liên kết sản xuất nên sản phẩm trở thành hàng hóa, giá trị tăng lên. Với sản phẩm na ở Đông Triều, trung bình mỗi hộ dân thu 100 triệu/năm. Sản phẩm nếp cái hoa vàng ở Đông Triều tăng diện tích từ vài chục ha đến vài trăm ha, sản phẩm được thị trường chấp nhận, có đến 75% hộ dân ở xã Việt Dân khá, giàu nhờ vào quy hoạch và chuyển đổi về cây trồng vật nuôi theo hướng hiện đại hóa. Hay như cách làm của NTM là tập trung nguồn lực cho từng địa phương, cái gì cần sẽ làm trước, ở huyện đảo Cô Tô, trên cơ sở quy hoạch thì lãnh đạo nhận thấy cần phải có hệ thống điện, nước, giao thông đều thuận tiện tạo điều kiện phát triển sản xuất, làm tăng thu nhập cho người dân.
Từ năm 2010 đến nay, bình quân thu nhập tăng gấp đôi, đặc biệt năm 2012 khi có điện lưới quốc gia ra đảo, câu chuyện cổ tích đã trở thành hiện thực, huyện đảo từ địa danh không mấy ai quan tâm thì nay được quy hoạch trở thành tâm điểm phát triển du lịch, vào những ngày đầu hè người dân huyện đảo nô nức làm du lịch. Người dân trước kia thường làm kinh tế rồi mang về quê hương, nhưng nay họ đã đầu tư xây dựng nhà cửa, ổn định tư tưởng, tạo lập giá trị bền vững cho gia đình.
PV: Theo ông, nhìn từ góc độ của người làm công tác quy hoạch xây dựng NTM, Quảng Ninh cần tiếp tục như thế nào để mang lại hiệu quả bền vững cho người dân nông thôn?
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Giai đoạn tiếp theo của chương trình xây dựng NTM là cần bám sát theo mục tiêu đề ra, Quảng Ninh xác định phải tiếp tục nâng chất lượng các xã, các huyện NTM trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu “4 tốt hơn” đó là: Đời sống, thu nhập của người dân ngày càng cao hơn; Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại; Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị truyền thống ở nông thôn, an ninh, an toàn, an sinh xã hội ở nông thôn ngày một tốt hơn; Đảm bảo môi trường sinh thái phát triển đa dạng và bền vững hơn.
Mục tiêu về quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cần hoàn thành 6 loại công trình ưu tiên cho các xã vùng 3 bao gồm: giao thông, điện, nước sạch, trường học các cấp, trạm xá xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn nhằm đột phá về diện mạo nông thôn, cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.
Quan trọng nhất vẫn là nguồn lực con người, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới phải được chuẩn hóa, được đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực tổ chức, quản lý thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Bởi họ chính là những con người đi tiên phong, tuyên truyền giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, làm cho người nông dân thấy được, nhận thức được nội dung, phương pháp, cách làm nông thôn mới hiệu quả, mới mong mang lại cuộc sống ấm no và bền vững cho người dân.
Cũng chính từ con người làm thay đổi được diện mạo, điều tất yếu họ phải hiểu đất và hiểu người địa phương để đưa ra kế hoạch, lộ trình cho phù hợp với điều kiện mỗi địa phương. Yếu tố quyết định thành công là con người gồm có cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã nhiệt huyết, có tâm với công tác xây dựng NTM, vận động được người dân tham gia tích cực, thấy được lợi ích của người dân để đánh thức sức mạnh trong dân, nguồn lực trở nên dồi dào nếu hợp ý Đảng lòng dân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn