“Sập cầu” vì kinh doanh gạch
Năm 1974, vừa tròn 18 tuổi, ông Đàm nhập ngũ tham gia kháng chiến. Gần đến ngày giải phóng thì ông bị trúng đạn (thương tật ¼) khi đang tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau đó ông được chuyển ra Bắc và đi học ngành địa chất. Năm 1977, ông trở về quê và làm công nhân cho nông trường gần nhà. Để phát triển kinh tế, năm 1990, ông mua lại cơ sở làm gạch của nông trường. Do thiếu kinh nghiệm nên chưa đầy 2 năm gắn bó với nghề gạch ngói, ông bị phá sản và phải bán nhà lấy tiền trả nợ. Những tưởng sau lần “sập cầu” ấy, cả đời ông Đàm sẽ “hãi” không dám gắn bó với nghề gạch ngói nữa. Thế nhưng, năm 2007, ông Đàm lại góp vốn làm ăn với 5 người khác thành lập công ty chuyên sản xuất kinh doanh gạch.
Lúc đầu ông làm ăn có lãi nhưng càng về sau do suy thoái kinh tế, các cộng sự và nhân công không đoàn kết, dẫn đến sản xuất đình đốn, hàng hóa ế ẩm, máy móc chất đống, nợ Nhà nước gần 200 triệu đồng. Năm 2011, ông lại đứng trước nguy cơ trắng tay thêm lần nữa. “Với bản chất lính Cụ Hồ, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Hội ND cho vay vốn Quỹ HTND, tôi đã vùng dậy” - ông Đàm nhớ lại.
Lấy lúa, cá nuôi nghiệp lớn
Giữa lúc khó khăn chồng chất, ông Đàm được Hội ND huyện Nghĩa Đàn cho vay 5 triệu đồng nguồn Quỹ HTND. Ông dùng số tiền này mua giống cá lóc bông thả trên các ao hồ đã lấy hết đất làm gạch và kết hợp trồng lúa trên các ao hồ này. Vụ đầu tiên, ông thu hoạch được 2,2 tấn cá lóc bông và 1 tấn lúa, tổng cộng trị giá 125 triệu đồng, trừ chi phí ông thu về 40 triệu đồng. Mỗi năm 2 vụ, ông thu về trên 80 triệu đồng. Tiền lãi từ việc nuôi cá-lúa, kết hợp vay mượn thêm bên ngoài, ông Đàm “có đà” tu sửa lại nhà xưởng, xây dựng trạm biến áp, đầu tư xây dựng nhà máy gạch theo công nghệ tuynel với dây chuyền sản xuất 50 vạn viên gạch mộc mỗi ngày, hệ thống lò đốt hiện đại 5 khoang nung.
Với mục tiêu coi trọng chất lượng, mẫu mã; lấy uy tín làm đầu; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và không ngừng nâng cao tay nghề cho thợ, từ năm 2012 nhà máy đã đi vào hoạt động trở lại. Với doanh thu hơn 4 tỷ đồng mỗi năm, trừ chi phí đầu tư, gia đình ông Đàm thu về trên 400 triệu đồng. Cơ sở sản xuất gạch công nghệ tuynel của ông đã tạo việc làm cho 35 lao động địa phương với mức lương từ 3,5 – 8 triệu đồng/người. Nhờ làm gạch, ông đã nuôi được cả 6 con ăn học thành tài. Hiện các con ông đều đã trưởng thành và giữ những chức vụ quan trọng như giám đốc, giảng viên đại học… Riêng cô gái út đang du học Nhật Bản.
Chia sẻ kế hoạch tương lai, ông Đàm tiết lộ: “Cùng với việc phát triển kinh doanh gạch, tôi đang tiếp tục cải tạo và mở rộng diện tích nuôi cá lóc bông – lúa để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.