Bắt nguồn từ tỉnh Lâm Đồng, sông Đồng Nai chảy về các tỉnh miền Đông Nam Bộ, TP.HCM rồi hòa mình vào biển Đông. Khi qua Đồng Nai, sông hội tụ và kết nối nhiều giá trị từ văn hóa, lịch sử đến hệ sinh thái.
Dòng sông kết nối
Làng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) kỳ vọng sẽ phát triển khi tour du lịch đường sông Đồng Nai đi vào hoạt động. Ảnh: Hoàng Anh
Nên làm quảng trường nước trên sông Theo Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai, sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Biên Hòa ít bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Hơn nữa, mặt sông rất rộng đã tạo cảnh quan đẹp. Từ những lợi thế này, Đồng Nai có thể khai thác mặt sông làm quảng trường nước để phát triển văn hóa, du lịch. “Mặt sông giống như một quảng trường nước. Trên đó có thể tổ chức những hoạt động văn hóa, lễ hội gắn với tính chất đặc thù của người dân Biên Hòa. Tuy nhiên, muốn làm được quãng trường đó, 2 bên bờ phải có những không gian phù hợp và đồng bộ” - ông Dũng nói. |
Một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, sông Đồng Nai được xem như dòng sông kết nối và hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch. Nếu được khai thác một cách khoa học, dòng sông này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, các tour du lịch đường sông sẽ kích thích phát triển các đặc sản nông nghiệp của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đức (ngụ tại phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) – người từng có chuyến khảo nghiệm dọc sông Đồng Nai - cho biết, ngoài làng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) nổi tiếng, dọc hai bờ sông còn nhiều vùng trồng cây ăn trái khác như sầu riêng, chôm chôm, nhãn... Ngoài ra, lên thượng nguồn sông cũng có làng bản của các dân tộc thiểu số người Châu Mạ, Stiêng. Những năm qua, mô hình du lịch homestay đã nở rộ nhưng chưa tạo được sự kết nối có hệ thống.
“Nếu mở du lịch đường sông, đây sẽ là tour du lịch vô cùng thú vị. Khi đó, du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống với người dân, thưởng thức các món đặc sản. Điều đặc biệt, tour du lịch này có nhiều điểm đến với đặc trưng văn hóa khác nhau… nên không nhàm chán”- ông Đức chia sẻ.
Ông Đức cho biết thêm, bên bờ sông Đồng Nai có di tích lịch sử Chiến khu D (huyện Vĩnh Cửu), chùa Ông, đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở TP.Biên Hòa. Mỗi di tích, mỗi ngôi chùa đều có bề dày văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng. Những điểm này giúp du khách trải nghiệm về truyền thống văn hóa - lịch sử.
Chị Thùy Vân – nhân viên một doanh nghiệp ở Biên Hòa – cũng cho rằng nên nghĩ đến việc thiết kế tour kết nối vùng thượng nguồn như đảo Ó Đồng Trường, Vườn quốc gia Cát Tiên với các cù lao ở hạ nguồn. “Năm ngoái, công ty tôi từng tham gia tour du lịch sinh thái rừng ở rừng Cát Tiên khám phá hệ động thực vật phong phú. Tuy nhiên, khi kết thúc tour ở đây, nhiều người cảm thấy hụt hẫng vì khó có thể đến đảo Ó hay đến những nơi tiếp theo do thiếu kết nối”- chị Vân nói.
Đánh thức tiềm năng
Xác định sông Đồng Nai là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các giá trị, tỉnh Đồng Nai đã xúc tiến xây dựng tuyến du lịch đường sông, do Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Hoàng Gia Bảo (TP. Biên Hòa) làm chủ đầu tư.
Dự án du lịch đường sông đang được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng một số điểm du lịch sinh thái kết hợp với vui chơi giải trí tại cù lao Ba Xê (TP.Biên Hòa) và bến tàu trạm dừng chân tại Công viên Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa). Giai đoạn 2 xây dựng trạm dừng chân, dịch vụ ăn uống, vui chơi tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) và trạm dừng chân bến tàu Hiếu Liêm tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu). Dự án này đi vào hoạt động sẽ kết nối du lịch sinh thái rừng - hồ, tham quan các di tích văn hóa - lịch sử và thưởng thức đặc sản... Du khách sau khi tham quan tuyến đường sông sẽ đặt chân ở bến tàu Hiếu Liêm và tham gia tour du lịch rừng Mã Đà, Chiến khu D...
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, tuyến du lịch đường sông hoàn thành hy vọng sẽ thu hút nhiều du khách, góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ du lịch và phát triển nông nghiệp của các địa phương.
Theo Hoàng Anh/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn