Anh Phan Văn Ri, ngụ khu vực Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), trồng 1.200 mét vòng nấm rơm cho thu hoạch thường xuyên. Anh Ri cho biết: "Tôi làm nghề chất nấm này đã hơn 20 năm, nhà có ghe 30 tấn đi mua rơm về trồng nấm. Đối với tôi, nấm rơm trồng được quanh năm kể cả mùa mưa hay nắng, nhưng phải chịu khó đi mua rơm nguyên liệu ở xa, như các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… tùy theo vụ mùa nơi nào có rơm thì đến đó mua".
"Sao anh đi mua rơm xa vậy?" - tôi hỏi. Anh Ri cười, bật mí: "Đây là bí mật trong nghề chất nấm, vùng lân cận đây tới vụ cũng có rơm nhiều lắm, nhưng rơm ở đây mua phải đi bán ở nơi khác, nếu chất ở đây thì nấm rất ít, mua nơi khác về chất ở đây thì nấm trúng lắm! Điều này dân trong nghề đều biết, nhưng chưa có ai giải thích lý do rõ ràng. Hơn nữa, bây giờ, muốn có đủ rơm nguyên liệu để làm nấm với số lượng lớn cũng phải đi tìm nơi khác để mua đem về mới đủ làm".
Một ghe rơm 30 tấn của anh Ri mua ở Sóc Trăng về trồng đợt này được 1.200 mét vòng. Tiền vốn mua meo (6 bao) giá trên 300.000 đồng. Mỗi ghe rơm khoảng 30 triệu đồng, cộng tiền meo, tiền công chất, khoảng trên 35 triệu đồng. Nếu như chất trung bình không trúng, không thất thì thu hoạch được 60 triệu đồng tiền bán nấm, với thời giá 40.000 đồng một ký nấm rơm. Thời gian trồng nấm khoảng 15 ngày bắt đầu thu hoạch, nếu như nấm trúng, thu hoạch 20 ngày mới hết. Vì sẵn có phương tiện nên vừa chất nấm xong là anh Ri tranh thủ thời gian cho ghe tiếp tục đi mua rơm.
Nghe anh Ri nói bỏ vốn ra 35 triệu đồng, chỉ trong vòng 1 tháng mà lời được 25 triệu đồng trở lên, tôi hỏi: "Sao bà con mình ở đây lúc rảnh rỗi nhà nhà không chất nấm để tăng thu nhập?". Anh Ri cười: "Nói thì dễ nhưng phải nhiều năm kinh nghiệm trong nghề trồng nấm và có phương tiện, nhân công mới có thể làm được. Nhất là kỹ thuật trồng nấm, trời thì lúc mưa lúc nắng, như vậy khi mưa đậy vòng ra làm sao, khi nắng tưới giữ độ ẩm cỡ nào? Nấm sao cho trắng, cho mập, hái bền. Đây là cả vấn đề mà người trồng nấm phải biết cách để xử lý cho đúng. Chỉ riêng việc hái nấm thôi cũng đòi hỏi phải biết ý, tay phải nhẹ nhàng, biết cách tách ra từng cụm nấm, nếu như không biết và không khéo sẽ động đến những phôi làm cho nấm sẽ vuột, thối hết, trúng thành thất".
Theo những người gắn bó với nghề trồng nấm lâu năm như anh Ri, nấm rơm trồng phát triển nhanh lắm, mới tượng hình bằng tăm nhang nhưng ít hôm thì thu hoạch, những phôi này dễ bị gây xây xát, hư vuột. "Không gì mê bằng thu hoạch nấm! Có ký là có tiền! Khi cao điểm 1.000 mét nấm của tôi hái lên đến 300 ký buổi sáng, còn buổi chiều cũng có mà ít hơn. Ngày bán nấm được trên 12 triệu đồng, mê lắm! Nấm hái bao nhiều thì có mối đến cân, phần nhiều là người ta xấy xuất khẩu, và bán cho người tiêu dùng", anh Ri phấn khởi kể chuyện thu hoạch nấm rơm.
Tôi hỏi: "Trồng nấm có khi nào lỗ không?" Anh Ri cười: "Không có đâu! Dân trong nghề xem rơm biết trong rơm có bao nhiêu nấm, trúng hay thất? Phải pha trộn rơm như thế nào cho đạt yêu cầu thu hoạch cao. Khu vực đồng bằng mình rộng lớn, lịch xuống giống mỗi nơi cũng khác nhau, nên chỗ này hết rơm thì nơi khác có. Vì vậy thị trường nấm tươi tiêu dùng đều có quanh năm".
Trước đây, ở xã Định Hòa, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đi lên chợ Bông Súng, Cái Mít, có nhóm chợ rơm. Ghe từ 30 tấn trở lên đi mua khắp nơi về đây bán nguyên ghe, chợ rơm nhộn nhịp ghe xuồng, người mua kẻ bán. "Nhưng bây giờ người ta tiến bộ hơn, mình chỉ điện thoại cho biết cần mấy ghe rơm, bao nhiêu tấn, hẹn ở điểm nào… thì sẽ có ngay! Do vậy, người trồng nấm bây giờ tiện lợi lắm! Tôi cũng thường đi chở rơm cho người ta, nếu có mối cần. Về giá cả, hiện giờ ghe từ 30 tấn trở lên cũng từ 30 triệu đồng trở lên".
Từ cây lúa, cọng rơm bỏ ra cũng giúp cho nông dân mình dùng rơm trồng nấm, góp phần tạo cho kinh tế gia đình một nguồn lợi nhuận không nhỏ. Anh Ri nói: "Vùng Thới An này, có một bộ phận nông dân trồng nấm rơm nghề lắm, sản xuất đi khắp nơi có tiếng nấm tốt, ngon".
Nấm rơm tươi chế biến được nhiều món trong bữa ăn. Nào là nấm xào với hành, bông điên điển hoặc với thịt heo, gà, vịt… cũng đều ngon ngọt. Nấm kho lạt, nấm xào mỡ, lẫu nấm đều ngon vô cùng. Bên cạnh đó, còn có nấm xấy khô để được lâu ngày. Trong nấm rơm có Vitamin A, B1, B2, D, E và 7 loại a-xít amin trị được nhiều bệnh cho người. Bã rơm sau khi trồng nấm xong còn làm phân sinh học cao cấp, nuôi trùng đất, đốt lấy tro.
Anh Ri nói: "Gia đình tôi chỉ có 2 công vườn, nhờ nấm rơm mà tôi có nhà cửa khang trang, con cái có điều kiện học hành tử tế. Nghề nấm rơm đã giúp gia đình tôi có cuộc sống dư dả hơn 20 năm nay".
Theo Báo Cần Thơ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn