Sẵn sàng cùng làm giàu
Không tìm được công việc như mong đợi sau khi tốt nghiệp trung cấp kinh tế, Cà Văn Đoàn (dân tộc Thái) quyết định trở về quê nhà (xã Tạ Bú, Mường La, Sơn La) để lập nghiệp. Anh cùng gia đình cải tạo 3 ao tù trước nhà để thả cá, kết hợp chăn nuôi lợn rừng và nhím. Anh cũng là người đầu tiên trong vùng thử nghiệm thành công phương thức chăn nuôi dúi ở địa phương.
Còn chàng trai dân tộc Mường tên Bùi Văn Huế (xã Chí Thiện, Lạc Sơn, Hòa Bình) nổi danh với mô hình chuyên sản xuất gà giống, gà ri, cung cấp cám cho bà con nông dân ở địa phương. Mô hình của anh thu về hằng năm 600 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động. Ông chủ trại gà trẻ này còn khởi xướng tập hợp thanh niên nông thôn theo hình thức câu lạc bộ, hợp tác xã… để giúp nhau tiếp cận nguồn vốn, tham quan, học hỏi những mô hình kinh tế phù hợp với địa phương, trao đổi kinh nghiệm để cùng làm giàu. “Mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người trong câu lạc bộ, khuyến khích họ làm theo quy mô nhỏ, sau khi có kinh nghiệm và có thể làm kinh tế riêng thì tách ra để phát triển quy mô lớn hơn”-anh Huế chia sẻ.
Vươn lên từ cây truyền thống
Khác với anh Đoàn, anh Huế là những người chọn chăn nuôi làm hướng khởi nghiệp và làm giàu, Hà Văn Cường (sinh năm 1988, xã Tân Đồng, Trấn Yên, Yên Bái) lại bắt đầu từ một nghề rất quen thuộc – trồng dâu nuôi tằm.
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Cường phải nghỉ học từ năm lớp 11, rồi trở thành lao động chính trong gia đình. Nhận thấy việc trồng dâu nuôi tằm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 6-7 lần so với canh tác cây lúa và các loại hoa màu khác, Cường đã mạnh dạn bỏ cây lúa chuyển sang trồng dâu nuôi tằm.
Sau 10 năm cải tạo đất khô cằn của gia đình bằng cách áp dụng những giải pháp khoa học kỹ thuật mới, Cường đã là ông chủ của mô hình trồng dâu nuôi tằm với diện tích 3.600m2 dâu, trên 200m2 nhà tằm, 2,5ha quế. Ngoài ra anh còn kết hợp làm dịch vụ cho thuê phông bạt, loa đài mang lại doanh thu hằng năm lên tới 350 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động.
Cũng bắt đầu bằng cây truyền thống, chàng trai dân tộc Tày Nông Văn Trúc (Phù Lưu, Hàm Yên, Tuyên Quang) đã thành công từ mô hình trồng cam sành và quýt giấy. Sau 4 năm cải tạo đất và học hỏi được kinh nghiệm chiết cành, chăm sóc cây từ các lớp bồi dưỡng khuyến nông của tỉnh, anh Trúc hiện là chủ của 800 gốc cam sành và 200 cây quýt giấy. Năm 2014, doanh thu từ bán hàng đạt 720 triệu đồng, thu lãi 600 triệu, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động cùng 3 lao động thời vụ. “Mình đang có dự định mở rộng quy mô trồng thêm 1.000 gốc cam sành nữa”- anh Trúc chia sẻ.
Bằng sự nỗ lực bền bỉ và ý chí vươn lên, những chàng nông dân dân tộc đã và đang thành công con đường làm giàu, tiếp bước con đường của người được đặt tên cho giải thưởng mà họ vinh dự đón nhận – nhà nông học Lương Định Của.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn