Xây dựng vùng đặc sản dựa trên trên thế mạnh địa phương
Huyện Ba Vì chiếm tới 1/2 tổng số xã trong 14 xã vùng dân tộc và miền núi của Hà Nội. Trong số 7 xã vùng dân tộc của huyện Ba Vì, xã Ba Trại được xem là điểm sáng nhất. Sau hơn 6 năm nỗ lực, xã Ba Trại đã chính thức đủ điều kiện xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017. Đặc biệt, đây cũng là địa phương đầu tiên trong số 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của huyện Ba Vì đạt được thành tích này.
Ông Nguyễn Đức Dần - Chủ tịch UBND xã Ba Trại cho biết, đời sống của người dân xã Ba Trại chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó nguồn thu chính là từ cây chè (451ha) với 9/9 thôn đều làm nghề sản xuất và chế biến chè búp khô. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3 - 5% nhưng Ba Trại vẫn là một xã nghèo của huyện Ba Vì, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém, nông sản làm ra chưa có chỗ đứng tốt trên thị trường. Để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, Ba Trại đang tập trung phát triển các làng nghề sản xuất chè theo hướng an toàn.
Nhiều hộ dân trên địa bàn 2 xã miền núi Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) nuôi lợn rừng đặc sảnvà có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Thu Hà
Theo đó, từ năm 2014, xã đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất và chế biến chè Ba Trại, triển khai tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về quy trình thâm canh chè theo hướng VietGAP, đưa cơ giới hoá vào sản xuất chè an toàn và thay thế dần giống chè trung du lá nhỏ đã già cỗi, đồng thời triển khai xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn… Xã phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh tế trên vùng đất đồi gò với thu nhập đạt bình quân 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
TÌnh hình kT-XH các xã vùng dân tộc Tốc độ tăng trưởng bình quân: 12% |
Cùng với nhân rộng mô hình chè sạch, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với sự hỗ trợ của Sở NNPTNT Hà Nội, xã Ba Trại cũng đồng thời triển khai cho vay vốn, hỗ trợ sản xuất và đào tạo nghề cho đồng bào…
Tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã miền núi
Theo Chủ tịch UBND xã Ba Trại, để có được kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, cần phải kể tới sự hỗ trợ, đầu tư rất lớn của TP.Hà Nội. Trong tổng nguồn vốn đã giải ngân phục vụ công tác xây dựng NTM của xã Ba Trại là 363,2 tỷ đồng thì kinh phí thành phố hỗ trợ lên tới 316 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã là 11,8 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 10.2017, Hà Nội đã hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn 1,329 tỷ đồng; hỗ trợ y tế, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông, nhờ đó cải thiện và nâng cao đời sống của đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. |
Cũng là xã dân tộc miền núi, trước năm 2016, huyện Quốc Oai có 4 thôn thuộc 2 xã Phú Mãn và Ðông Xuân được xếp vào danh sách các thôn được hưởng chính sách của Chương trình 135. Nhưng đến cuối năm 2016, các thôn này đều đã đủ điều kiện ra khỏi chương trình này và “cán đích” chương trình xây dựng NTM.
Hà Nội hiện có 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức với 14 xã thuộc khu vực miền núi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo đại diện Ban Dân tộc TP.Hà Nội, cùng với phong trào xây dựng NTM trên toàn thành phố, những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội quan tâm, chỉ đạo.
Nhiều chính sách dân tộc của Trung ương được thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và hiệu quả, nổi bật là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 102/QĐ-TTg ngày 7.8.2009 của Thủ tướng Chính phủ. Do giá cả ở Thủ đô cao hơn các tỉnh, thành phố khác nên UBND thành phố đã quy định nâng mức hỗ trực trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo cao hơn mức quy định của Chính phủ.
Theo Thu Hà/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn