Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, hàng ngày anh Công phải chạy vạy tìm việc để phụ giúp gia đình. Hết làm thuê làm mướn rồi đến nghề phụ hồ, bốc vác... Gom góp được chút vốn, anh mua 1 xe máy để hành nghề xe ôm tại thị trấn Hải Lăng. Trong những lần rong ruổi trên đường, anh đã gặp cô Hoàng Thị Hằng làm nghề bán bún rong.
Hai người đã thành vợ chồng và có với nhau 3 con. Mặc dù vợ chồng anh quần quật làm việc, nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau. Gia đình anh nằm trong "tốp" hộ nghèo của thị trấn. "Nghề bán bún dạo của vợ thì chỉ bòn mót từng đồng lẻ của thiên hạ.
Còn nghề xe ôm của tui lại không ổn định, khi có khách thì ngày cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Con cái mỗi ngày mỗi lớn, tiền ăn, tiền học ngày một nhiều hơn. Nhiều lúc thấy con không có tiền nộp học phải nghỉ học, vợ chồng tui buồn rơi nước mắt..." - anh Công nhớ lại.
Anh Công vo gạo chuẩn bị xay bột làm bún. |
Được Hội động viên và cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ ND rồi bảo lãnh để ngân hàng cho vay vốn ưu đãi, năm 2009, anh mạnh dạn mua máy để xản xuất bún. Công suất của máy sản xuất trên 15 tạ bún/ngày, nhưng ban đầu anh chỉ làm khoảng 1 tạ vì chưa có thị trường tiêu thụ. Vợ chồng anh đến các quán bún, các chợ trong huyện chào hàng.
Cả hai vợ chồng đều khéo tay, làm được nhiều loại bún sợi lớn nhỏ, có độ dẻo dai, thơm ngon và có thể bảo quản lâu ngày nên nhanh chóng được nhiều khách hàng biết đến. Nhờ đó, lượng bún vợ chồng anh làm ngày càng nhiều.
"Ban đầu tui cũng lo lắm, gia đình mình nghèo mà đi vay mượn cả trăm triệu đồng về làm ăn, nhỡ có mệnh hệ gì thì gia đình chỉ có nước bỏ xứ ra đi. Nhưng giờ thì thuận lợi rồi, gia đình tui không những thoát nghèo mà còn có của ăn của để" - chị Hằng vừa cân bún cho khách hàng vừa nở nụ cười mãn nguyện.
Hiện nay, mỗi ngày cơ sở làm bún anh đưa ra thị trường 5 - 6 tạ bún, với thu nhập 35 - 40 triệu đồng/tháng. Hàng năm, trừ chi phí vợ chồng anh lãi ròng 400 - 500 triệu đồng.
Gia đình anh liên tục nhiều năm được tuyên dương hộ SXKD giỏi cấp tỉnh.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn