Phân biệt ra sao?
Rau, quả TQ với ưu điểm nổi trội là hình thức rất đẹp, được dùng nhiều chất kích thích nên có kích thước đều tăm tắp với cùng một kích cỡ. Mặt khác, vì phải tẩm hóa chất để giữ tươi lâu nên hầu hết hàng TQ đều láng bóng, thời gian trữ được rất lâu, có thể để ở nhiệt độ bình thường bên ngoài từ 3 - 7 ngày mà không bị hư.
- Bông cải (xúp lơ) VN thường còn nguyên lá, phần bông chia không đều (chỗ thưa chỗ dày); còn hàng TQ thì bị cắt hết phần cuống và lá, màu trắng phau, bông cuốn rất chặt.
- Bí đỏ TQ có hình bầu dục, điểm những sọc trắng dọc theo thân trái, khác hẳn bí đỏ hình tròn, dẹt của VN.
- Khoai tây TQ dài, dẹp, màu nhạt, da bóng, khác với khoai tây VN tròn, da ửng hồng.
- Cải bắp TQ tròn, cải thảo TQ rất tròn, mượt và không bị nhàu, xước, đầu búp uốn vào không bị quăn, lá cuốn chặt, cầm nặng tay.
- Cà chua căng mọng, chín đều...
- Các loại rau cải làn, cải thìa, hành, thìa là, rau thơm... chủ yếu đều được bó bằng nhiều sợi rơm chập lại với nhau và xoắn.
- Cải thìa, thân màu trắng đục, cọng to, lá xanh thẫm, lá ngắn hơn rau của ta.
- Củ cải, su su, cà rốt thường to hơn của ta, các rãnh củ rất nông và da trơn, không có phần thân, lá, sờ vào rất mát. Củ cải trắng thường to, trắng muốt, chắc nịch. Cà rốt củ đỏ tươi, to đều, da láng bóng; khác với cà rốt VN củ nhỏ, màu nhạt hơn, kích thước không đều nhau và còn nguyên phần cuống lá.
- Su hào TQ thường to, tròn, dẹpnhư bánh xe, vỏ xanh thẫm, sờ mát tay.
- Tỏi TQ có củ và tép thường lớn, màu trắng, dễ lột vỏ hơn; tỏi VN có củ nhỏ, màu nâu tía. Hành tím TQ củ to, không có tép nhỏ bao quanh, màu đỏ nhạt. Gừng TQ cũng rất lớn, màu vàng óng, khác với gừng VN củ nhỏ, da sần sùi...
Phân biệt trái cây
Không chỉ trà trộn với rau củ quả VN, trái cây TQ như nho, táo, lê, mận cũng giả mạo hàng của Mỹ, Úc... Có thể phân biệt dễ dàng nho TQ bằng mắt thường, kể cả bằng vị giác. Nho TQ có màu vỏ hơi nhạt, lớp phấn trắng bên ngoài, ăn có vị chua và nhiều hạt. Trong khi đó, nho Mỹ thật trái to vừa phải, màu vỏ sậm hơn, ăn có vị ngọt đậm đà, ít hạt, giá luôn bán ở mức cao hơn 100.000 đồng/kg. Giá nho TQ rẻ hơn chỉ từ 30.000 - 40.000 đ/kg, tùy loại lớn nhỏ. Khi bóc vỏ trái nho, nho Mỹ bóc vỏ rất dễ, không bị xát vào phần trái nho, còn nho TQ bóc vỏ rất khó, vỏ luôn dính chặt vào phần thân của trái.
Với các loại táo Mỹ, nên mua trong siêu thị, chọn kỹ từng trái một, sau đó dùng tay nắn nhẹ xem trái có bị vết mềm lõm vào trái không, nếu có không nên mua vì trái này đã bị giập rồi, khi cắt ra trái bị thâm phải cắt bỏ đi rất nhiều. Ở chợ, người bán nói táo của New Zealand, Mỹ với giá không hề rẻ nhưng cắt ra bên trong đã bị thâm loang lổ chứ không trắng đều. Có thể nó phải ngậm nhiều hóa chất và để quá lâu. Tuy vậy, cũng đừng nên quá tin vào siêu thị vì cũng có hiện tượng gắn mác giả mạo. Mới đây lại xuất hiện cam TQ giả cam Hà Giang.
Mặc dù người tiêu dùng e ngại nông sản TQ nhưng do giá rẻ hơn hàng VN từ 20 - 30% nên những mặt hàng này vẫn là sự lựa chọn số một của các quán ăn, nhà hàng và cả những người có thu nhập thấp. Cũng chính vì giá rẻ nên nhiều người bán lẻ thường bán hàng TQ trộn lẫn với hàng VN hoặc quảng cáo là hàng VN để bán giá cao hơn. Kinh nghiệm của các bà nội trợ khi trực tiếp chế biến các món ăn đều dễ dàng nhận thấy chất lượng rau, củ, quả TQ rất kém: củ hành trắng thì dai, lạt, không giòn ngọt như hành Đà Lạt. Củ năn lạt, xốp, không bùi như củ năn trong nước. Hành, tỏi khi phi với dầu mỡ không dậy lên mùi thơm; củ gừng không cay, ít thơm; bắp cải, bông cải, cà rốt, khoai tây, cà chua đều rất lạt...
Nguồn: Báo Khoa Học Phổ Thông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn