Theo Trung tâm Ðiều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, dự kiến tổng mức đầu tư cho các công trình thủy lợi chống ngập úng tại thành phố hơn 51.000 tỷ đồng. Hiện, thành phố đã đầu tư hơn 30 km cống từ tỉnh lộ 8 đến sông Vàm Thuật (bờ hữu), đồng thời thi công 80% khối lượng cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè (chống ngập do triều cho bảy quận nội thành), với tổng số tiền giải ngân hơn 2.500 tỷ đồng.
Trung tâm khí tượng thủy văn Tây Nam Bộ cho biết, nhiệt độ trong hai tháng 3 và 4 ở khu vực này phổ biến ở mức cao hơn so trung bình nhiều năm, có khả năng gây tình trạng thiếu nước vào đầu vụ lúa hè thu. Trong thời gian này cũng có khả năng xảy ra nhiều đợt mưa trái mùa, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng cây lúa và sự phát triển của một số đối tượng dịch hại trên lúa, nhất là rầy nâu. Do vậy, các tỉnh cần rà soát lại hệ thống thủy lợi nội đồng, bảo đảm chủ động nước tưới, tiêu; củng cố hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá các cấp... Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần quản lý chặt lịch xuống giống và lịch né rầy, bảo đảm "gieo sạ tập trung đồng loạt, né rầy", nhằm tránh bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tái phát ở ngay giai đoạn đầu vụ; vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa đúng kỹ thuật, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), "công nghệ sinh thái" và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Nhằm hạn chế ảnh hưởng của khô hạn vào giữa vụ, nông dân TP Cần Thơ đã gieo sạ hơn 30 nghìn ha lúa hè thu trong tổng số 80 nghìn ha theo kế hoạch sớm hơn mọi năm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp TP cũng đồng loạt nạo vét các công trình thủy lợi ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ, Thới Lai tích nước phục vụ tưới tiêu và làm giao thông nông thôn.
Từ đầu năm đến nay, ngoài các ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) đã xuất hiện ở năm xã thuộc các huyện Thạch Thành, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) với 241 con lợn bị nhiễm bệnh, trong đó đã tiêu hủy 143 con. Bệnh lợn tai xanh còn phát sinh ở các xã: Dân Lý, Ðồng Tiến (huyện Triệu Sơn) làm 332 con lợn bị bệnh. Bệnh tụ huyết trùng cũng xảy trên đàn gia súc ở xã Xuân Chinh và xã Vạn Xuân (huyện Thường Xuân) làm 42 con trâu, bò ốm, chết. Ðể dập dịch, cơ quan thú y đã thành lập 18 chốt kiểm dịch; tổ chức tiêm 12.000 liều vắc-xin LMLM, 3.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng và 1.500 liều vắc-xin phòng bệnh tai xanh cho đàn vật nuôi ở các huyện trên. Theo Chi cục thú y tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đã xuất hiện dịch LMLM với 53 con gia súc bị bệnh của 16 hộ chăn nuôi ở phường Ðậu Liêu. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do trâu, bò hầu hết số trâu, bò bị bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa thông báo giải tỏa từng phần các biện pháp chống dịch lợn tai xanh tại sáu huyện (gồm Nông Sơn, Tiên Phước, Ðiện Bàn, Quế Sơn, Ðại Lộc và Duy Xuyên). Trước đó, UBND tỉnh cũng đã cho phép 11 huyện, thành phố vùng đệm của tỉnh được phép vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn khỏe mạnh trong phạm vi địa bàn của từng huyện, thành phố.
Ngày 18-3, Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh đã đưa hai xã Bình Minh (thị xã Tây Ninh) và xã Tiên Thuận (Bến Cầu) ra khỏi danh sách địa bàn có dịch cúm gia cầm. Tại hai xã trên, hơn 21 ngày qua không phát sinh thêm trường hợp gia cầm chết ở nhà dân, không phát hiện ổ dịch mới.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết: Hiện, toàn huyện đảo có khoảng 36.500 ha rừng dự báo cháy cấp 5 đến cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong đó hơn 600 ha khu vực Bãi Thơm, Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh và khu vực Bắc - Nam Bãi Trường có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Huyện đảo Phú Quốc đã tổ chức lực lượng phòng chống cháy rừng khoảng 1.100 người, phân công trực chiến 24/24 kịp thời dập tắt lửa khi phát hiện cháy.