Trang trại của ông Cao Má, rộng 15 ha ở xã Ea Ly, huyện Sông Hinh (Phú Yên) trồng giống mía cao sản R579, R570, trước Tết Quý Tỵ thu hoạch 1 ha, đạt năng suất gần 100 tấn. Những ngày qua ông tiếp tục thu hoạch mía nguyên liệu cung cấp cho Cty CP Mía đường Tuy Hòa với giá 900.000 đồng/tấn 10 chữ đường (CCS). Ước tính niên vụ mía 2012-2013, ông Cao Má thu tiền tỷ.
Nông dân Nguyễn Văn Hùng, cũng ở xã Ea Ly, mở rộng diện tích trồng mía hiện lên đến 12 ha với các giống mía Roc10, Roc16 mới du nhập về. Trong qua trình sinh trưởng cây mía không bị sâu bệnh hại cộng thời tiết thuận lợi nên phát triển tốt, năng suất đạt 100 tấn/ha. Ông Hùng cho biết, trồng mía theo mô hình trang trại đầu tư mua máy cày để chủ động trong khâu làm đất kịp thời vụ xuống giống. Ở đây không chủ động nước tưới mà chỉ dựa thời tiết trời mưa nên khâu làm đất quyết định năng suất”.
Gia đình anh Nguyễn Ngọc Mỹ từ xã Đức Bình Tây (Sông Hinh) lên Ea Ly lập nghiệp từ năm 1993. Hai vợ chồng vừa trồng mía, vừa nuôi bò. Hàng năm, bán bò sinh sản và mía, vay thêm ngân hàng, anh mua thêm đất. Những năm mía rẻ mạt, nhiều người bán đất, anh bàn với vợ bán bò vay thêm ngân hàng mua, rồi đầu tư trồng giống mía cao sản, nhờ vậy năng suất, sản lượng tăng cấp số cộng hàng năm.
Năm 2008, anh trả hết nợ mà vẫn còn tiền xây ngôi nhà nửa ty đồng, mua máy cày, tăng thêm đàn bò. Hiện có 15 ha mía, thu 150 tấn, bán được 1,5 tỷ đồng. Anh Mỹ tiết lộ: “Gia đình tôi có 2 máy cày lớn và chuẩn bị mua thêm 1 xe tải để phục vụ trồng và thu hoạch. Nguồn vốn đầu tư tất cả đều từ cây mía mà ra”.
Theo nhiều nông dân, để đạt năng suất cao ngoài việc chú trọng nguồn giống, áp dụng KHKT chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại thì thời tiết phải thuận lợi, mưa nắng đan xen để khâu làm cỏ bón phân đúng thời kỳ sinh trưởng, cây mía mới phát triển tốt.
Lo ngại nhất là trồng mía không có công trình thủy lợi tưới nước, thời kỳ xuống giống thì trồng đồng loạt, khi thu hoạch thì cùng lúc, điều này không chỉ gây sức ép cho nhà máy và dẫn đến trình trạng khan hiếm công thu hoạch. Vì vậy mong ước của họ là cần đầu tư công trình thủy lợi để trồng rải vụ và chủ động nguồn nước tưới, bón phân nâng cao năng suất mía.
Một khó khăn nữa đó là cơ sở hạ tầng, không có đường vận chuyển nên phải thu hoạch "cuốn chiếu", ảnh hưởng đến tiến độ. Một số vùng phải qua khâu trung chuyển mới đến được. Thu hoạch cùng lúc khan hiếm công lao động nên giá nhân công tăng cao kéo theo chi phí tăng. Theo tính toán, các khoản chi phí từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch lên đến 40%, thậm chí có nơi lên đến 50% so với tổng thu nhập.
Ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho hay: “Tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía của huyện Sông Hinh từ 6.000 lên 8.000 ha. Ea Ly, Sơn Giang là các xã có diện tích mía lớn của huyện, nhiều hộ trồng mía theo mô hình trang trại. Mía trở thành cây trồng chủ lực thu hút hàng nghìn lao động. Mỗi vụ mía khi được mùa, được giá nông dân có thể thu nhập cả trăm triệu đồng.
Còn theo đánh giá của Ban điều hành chương trình mía đường Phú Yên, việc đầu tư vẫn chưa tương xứng nhu cầu, diện tích mía có tưới chỉ đạt gần 10%, chủ yếu khai thác từ các công trình thủy lợi hiện có. Cần đẩy mạnh phát triển giao thông nội đồng, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi để mở rộng vùng diện tích mía có nước tưới, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.
MẠNH HOÀI NAM
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn