Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện trong nhiều năm luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Tốc độ tăng trưởng năm 2012 đạt 3,1%; tổng giá trị ngành nông, lâm, thuỷ sản đạt 1.843 tỷ đồng. Cơ cấu ngành trồng trọt-chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 120 triệu đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Trong những năm qua, huyện Yên Khánh đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn, các HTX tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhất là cơ cấu giống cây trồng, con nuôi. Vụ đông xuân, bố trí 100% cơ cấu trà xuân muộn; vụ mùa bố trí 80% cơ cấu trà lúa sớm và cấy bằng các giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng để sản xuất lúa hàng hoá như: LT2, Bắc thơm số 07, QR1, RVT… Huyện cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Công ty, Trung tâm khuyến nông, Doanh nghiệp Hồng Quang, Công ty giống cây trồng Trung ương, Công ty giống cây trồng Ninh Bình khảo nghiệm nhiều loại giống lúa mới có tiềm năng, năng suất, chất lượng cao để tuyển chọn cho các vụ tiếp theo.
Hàng năm, huyện hướng dẫn các HTX nông nghiệp tổ chức gieo trồng trên 8.000 ha lúa chất lượng cao, góp phần tăng giá trị mỗi ha lúa từ 8-10 triệu đồng, giúp cho người nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây có giá trị kinh tế cao. Việc huyện triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn ở 7 xã điểm trên địa bàn cũng là bước đi mới, được tỉnh đánh giá cao, góp phần giúp người dân thay đổi nếp nghĩ từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất với quy mô lớn với việc cấy cùng giống đồng trà, cùng quy trình kỹ thuật thâm canh; chuyển đổi từ sản xuất đủ dùng sang sản xuất hàng hoá xuất khẩu; trình độ kỹ thuật thâm canh được nâng lên, từng bước được hoàn thiện đồng bộ cơ giới hoá từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, giúp nông dân tiêu thụ hàng hoá ngày càng thuận lợi hơn. Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là sự thành công của sự liên kết 4 nhà, trong đó tạo ra sự gắn kết giữa nhà nông với doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong năm 2012, các công ty, doanh nghiệp đã tiêu thụ gần 1.000 tấn lúa chất lượng cao cho nông dân, góp phần tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Trong sản xuất vụ đông, huyện chỉ đạo các xã, HTX quy hoạch vùng sản xuất vụ đông ăn chắc, tập trung sản xuất cây hàng hoá có giá trị kinh tế cao như: Ngô ngọt, khoai tây xuất khẩu, bí xanh, dưa chuột xuất khẩu, trạch tả… Đồng thời hướng dẫn cho nông dân quy trình kỹ thuật đơn giản, dễ làm, giảm công lao động; tích cực mời các nhà đầu tư cùng tham gia vào bao tiêu sản phẩm cho nông dân để nông dân yên tâm sản xuất.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản, mặc dù chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, nhưng chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Yên Khánh vẫn duy trì được tổng đàn, cơ sở hạ tầng tiếp tục được duy tu, nâng cấp. Nhiều mô hình mới trong chăn nuôi được áp dụng công nghệ hiện đại, nuôi trồng con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao dựa trên cơ sở từ con nuôi thuần tuý, chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang cách làm mới hiệu quả kinh tế cao hơn, nhất là các mô hình: Nuôi cá lóc bông, cá trắm đen, ếch, cua đồng, ba ba, cá rô… đang được mở rộng và phát huy hiệu quả, giúp cho nông dân chuyển đổi từ nuôi trồng quảng canh sang nuôi trồng quy mô lớn hơn, có đầu tư thâm canh.
Năm 2013, huyện tiếp tục chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn và phát triển sản xuất vụ đông năm có hiệu quả kinh tế cao. Tích cực tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt phương án “Dồn điền, đổi thửa-quy hoạch lại đồng ruộng”, tạo ra phương thức sản xuất mới, tích cực đưa các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất hàng hoá. Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, khoa học, góp phần xây dựng nông thôn mới trên quê hương Yên Khánh.
Theo baoninhbinh.org.vn