Thị trường bất ổn Nhiều tháng qua, giá bán lợn, gà luôn ở dưới giá thành khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ nặng. Tình trạng giảm giá nghiêm trọng tới mức, không ít nông dân phải tự trào rằng: Gà, lợn đã “ăn” cả sổ đỏ. Sở dĩ có điều này là do nhiều hộ đã cầm cố sổ đỏ, đất đai nhà cửa cho các ngân hàng để có vốn đầu tư chăn nuôi, nhưng do giá lợn, gà trong nước giảm mạnh (chủ yếu là do thịt nhập khẩu tràn lan, gia cầm nhập lậu) nên bà con thua lỗ, không có tiền trả nợ ngân hàng, đồng nghĩa với việc bị siết nợ. Đặc biệt là tình trạng nhập khẩu các phụ phẩm của lợn, gà và nhập gà thải loại từ Trung Quốc với giá rẻ đã khiến ngành chăn nuôi có lúc bị tê liệt. Ông Huỳnh Thành Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất (Đồng Nai) nói: Huyện có tổng đàn heo, gà lớn nhất tỉnh nhưng từ tháng 5/2012 đến nay, giá heo, gà giảm khiến người chăn nuôi bị thua lỗ trên 330 tỷ đồng. “Giá thành heo 40.000 đồng/kg nhưng có lúc giá bán chỉ 33.000 đồng/kg, giá thành gà công nghiệp 30.000 đồng/kg, nhưng giá bán chỉ 15.000 đồng/kg, giá thành trứng 1.300-1.350 đồng/quả nhưng giá bán cũng chỉ 800 đồng/quả. Người chăn nuôi lao đao, khốn đốn là điều dễ hiểu”, ông Vinh lo lắng nói. Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn khẳng định: “Dù giá lợn có nhích thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg thì vẫn còn dưới giá thành. Nếu Nhà nước vẫn cho nhập khẩu thịt, nội tạng gia súc, gia cầm tràn lan vào dịp Tết thì sẽ “giết” ngành chăn nuôi trong nước”. Cần siết chặt nhập khẩu thịt Tại hội thảo bàn giải pháp cứu ngành chăn nuôi gia cầm tổ chức ở Đồng Nai mới đây, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, có khả năng một lượng thịt lợn trong nước sẽ được xuất bán sang Trung Quốc khi giá thịt lợn tại nước này đang cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg. Điều này có khả năng đẩy giá thịt lợn trong nước tăng lên khoảng 5.000 - 8.000 đồng trong thời gian tới. Đây cũng là tín hiệu vui đối với người chăn nuôi, giúp bà con có động lực và niềm tin để tái sản xuất. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn e ngại, liệu sự tăng giá này có giữ được lâu và ổn định? Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP Việt Nam cho rằng, giá gà công nghiệp tăng trong 10 ngày gần đây là do nguồn cung hạn chế. Bởi trước đó, do giá bán thấp dưới giá thành trong nhiều tháng liên tiếp nên các chủ trang trại buộc phải giảm đàn. Khi giá tăng thì bà con đầu tư tăng đàn trở lại và nguồn cung sẽ nhanh chóng đưa ra thị trường, bởi vòng đời gà công nghiệp chỉ khoảng 45 ngày. Đối với thịt lợn, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg cũng cho biết, nguồn cung đã tạm đủ nên không có chuyện giá tăng đột biến. Do vậy, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi trong nước, các chủ trang trại kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hạn chế nhập khẩu thịt đông lạnh. Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, có nhiều thông tin cho rằng đùi, cánh gà nhập về Việt Nam có giá quá rẻ là do phần lớn những lô hàng đã sắp hết hạn, hoặc là hàng tồn kho được bán tháo với giá thấp. “Vì thế, ngoài việc xem xét kiện chống bán phá giá, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát các vấn đề gian lận thương mại này”, ông Công nói. Ông Giao cũng khẳng định: “Còn nhiều vấn đề cần phải kiểm soát trong việc nhập khẩu thịt đông lạnh. Các bộ ngành liên quan cần phải xem xét lại hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật của mình, không thể để người tiêu dùng trong nước ăn thực phẩm kém chất lượng”. Ngoài ra, ông Giao cũng cho biết, Cục Chăn nuôi đang nghiên cứu cách làm của Thái Lan và Malaysia là chỉ cho nhập khẩu gà nguyên con để kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương áp dụng trong thời gian tới. Trong khi chờ đợi các giải pháp thì một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, các trang trại cần tự cứu mình, trong đó, giải pháp hiệu quả nhất là tìm nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước để hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó hạ giá thành. Muốn thế, Nhà nước cần có chính sách phát triển vùng nguyên liệu hợp lý; người chăn nuôi tăng cường phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm để giảm thiểu thiệt hại…
Thiên Hương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn