Đang nhân rộng
Năm 2011 các tỉnh ĐBSCL đã làm hơn 8.000 ha CĐML. Năm 2012 ước tính mở rộng được trên 20.000 ha CĐML. Dự kiến từ năm 2015 - 2016 CĐML sẽ là 1 triệu ha, SX 6 - 7 triệu tấn lúa, phẩm chất gạo XK tốt nhất.
Có thể nói mô hình CĐML do Bộ NN-PTNT phát động đã khẳng định bước đi đúng hướng, phù hợp điều kiện SX nông hộ có ruộng đất nhỏ, lẻ; tổ chức liên kết SX theo cách “nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn”. Trên CĐML nông dân sử dụng cùng một loại giống, ứng dụng TBKT, thực hiện theo quy trình SX đồng loạt, tạo ra sản phẩm chất lượng đồng nhất.
Mô hình có sự tham gia tích cực của “4 nhà” (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà DN và nhà nông), kịp thời giải quyết các vướng mắc khó khăn, từ khâu thiết kế mô hình đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, một số địa phương đã hình thành các mô hình khép kín từ SX tới thu mua. Nông dân các tổ liên kết SX, các HTX bước đầu SX theo đơn đặt hàng; chú trọng nâng cao phẩm chất lúa gạo đáp ứng theo nhu cầu tiêu thụ của DN.
DN thiếu lò sấy, sân phơi khi tham gia CĐML
Ở TP Cần Thơ có 89.000 ha canh tác lúa, phong trào xây dựng mô hình CĐML “bật lên” khá nhanh. Ông Phạm Văn Quỳnh, GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ nhận xét: “Từ vụ HT 2011 mô hình CĐML đầu tiên với 400 ha tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh thành công, năm 2012 chúng tôi tổ chức 118 cuộc tập huấn kỹ thuật cho các nhóm nông dân, tiếp tục mở rộng 33 CĐML với tổng diện tích 8.890 ha tại 3 huyện. Kết quả vụ ĐX 2011 - 2012, năng suất lúa ở CĐML tăng 4,6%, lợi nhuận tăng 28,38% (hơn 4,8 triệu đồng/ha) so với ngoài mô hình".
Mô hình CĐML ngày càng được nhiều tỉnh trong vùng tích cực hưởng ứng, nhân rộng. Tại Vĩnh Long, vụ ĐX 2011 - 2012 có hơn 710 ha làm theo mô hình CĐML, triển khai 7 huyện trong tỉnh với quy mô 100 ha/huyện. Đến năm 2015 tỉnh Vĩnh Long phấn đấu nâng quy mô CĐML lên 2.500 - 3.000 ha, trong đó mỗi huyện 400 ha.
Ở Hậu Giang xây dựng 5 CĐML với quy mô 300 - 500 ha/cánh đồng. Tại Sóc Trăng, vụ ĐX 2012-2013 có 6.300 ha CĐML. Tỉnh Trà Vinh triển khai 14 mô hình CĐML trên diện tích 3.500 ha. Ở Đồng Tháp, năm 2012 mở rộng phong trào CĐML lên 17.127 ha, tăng 14.737 ha so năm 2011. Riêng An Giang từ lúc khởi đầu CĐML đã có bước đi nhanh, một số DN đầu tư nhà máy chế biến gắn kết trên vùng nguyên liệu quy mô hơn, từ 500 - 1.000 ha. Đến năm 2013 An Giang dự kiến có 6 DN tham gia CĐML, SX theo hợp đồng với 20.000 ha...
Trở ngại
Qua 2 năm đầu thực hiện mô hình CĐML, các tỉnh thành công chủ yếu nhờ có DN tham gia nhiệt tình. Có nơi, DN tham gia cả khâu cung ứng giống, vật tư nông nghiệp; cho tạm ứng chi phí đến cuối vụ thu hồi vốn không tính lãi. Ở An Giang, DN cử nhân viên kỹ thuật bám sát ruộng đồng, hướng dẫn kỹ thuật. Ở Cần Thơ, Vĩnh Long… nông dân tham gia CĐML được cấp sổ, hướng dẫn cách ghi chép, bước đầu tiếp cận thực hành SX tốt trên cây lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thế nhưng, tại một số địa phương, DN không có sự chuẩn bị, dự trù cách thức thu mua lúa, phương tiện vận chuyển... nên bị động, “hụt hơi” khi gặp tình huống phát sinh.
Ông Phạm Thái Bình, GĐ Cty TNHH Trung An (Thốt Nốt, Cần Thơ) nêu ra những “nút thắt” trong quá trình DN liên kết với nông dân. Ông Bình dẫn giải: “Vướng mắc trước tiên là vốn đầu tư. DN nếu muốn hỗ trợ lúa giống, phân bón, thuốc BVTV cần có vốn tạm ứng trước cho nông dân. Khi thu hoạch, DN mua lúa phải trả tiền mặt. Nhưng lúa tươi mua vào thường bị động vì thiếu lò sấy, kho chứa.
Thực tế qua 3 vụ lúa, Cty Trung An tham gia liên kết SX CĐML trên 2.000 ha. Đến cuối mỗi vụ thu hồi đồng loạt 18.000 tấn lúa tươi. Nếu tính giá lúa 5.000 đ/kg, DN cần 99 tỷ đồng vốn lưu động. Đó là chưa tính đến vốn cần ứng trước để hỗ trợ VTNN đầu vào, khoảng 30 tỷ đồng.
Việc tiêu thụ, XK lúa gạo có Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đảm trách. Vấn đề đặt ra, vì sao cả nước có 153 DN được cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh XK gạo nhưng số tham gia thực hiện CĐML, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu vẫn còn quá ít. |
Mặt khác, áp lực 18.000 tấn lúa tươi cần phải sấy kịp thời trong vòng 36 giờ. Vào vụ thu hoạch cao điểm trong vòng 20 ngày, tính ra DN cần vốn đầu tư hệ thống lò sấy công suất 900 tấn/ngày và hệ thống kho chứa 4.000 m2. Đó là chưa nói đến những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động XK, chúng tôi chưa lường trước được”.
Cũng gặp khó về vốn, ông Nguyễn Thành Danh, Cty CP Phân bón Bình Điền giãi bày: “Theo kế hoạch sắp tới Bình Điền tham gia CĐML 8.000 ha. Nếu mở thêm nhiều CĐML hơn nữa thì DN không thể kham nổi, vì nguồn vốn đầu tư cho nông dân quá lớn".
PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phân tích: Nông dân không chỉ cần hợp tác trong việc thu mua lúa, mà còn cần vốn để tái đầu tư SX, hướng dẫn kỹ thuật, thông tin thị trường… DN thì cần vốn, lãi suất ưu đãi để mở rộng, tăng hiệu quả kinh doanh và nguồn nguyên liệu thu mua ổn định, có chất lượng. Tuy nhiên mối liên kết giữa nông dân và DN vẫn chưa được tốt. Các tiêu chí về lúa để DN thu mua chưa được công bố, việc SX theo đơn đặt hàng chưa phổ biến...
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn