Hơn chục năm trước, toàn bộ 20ha đất nông nghiệp của thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn được chia đều cho 219 hộ dân nên ruộng đất rất manh mún, nhỏ lẻ. Năm 2012, thực hiện chủ trương DĐĐT, đến nay thôn Bắc Thượng đã hoàn thành đo đạc được 82,6ha, trong đó quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp là 54ha. Dự kiến đến hết ngày 5/12, 100% hộ dân trong thôn sẽ được nhận ruộng mới với ô thửa lớn để kịp thời sản xuất vụ xuân 2013. Tương tự, năm 2010 xã Tân Hưng được huyện Sóc Sơn chọn làm mô hình điểm DĐĐT. Sau hơn 2 năm triển khai, đến tháng 7/2012, xã cơ bản hoàn thành DĐĐT với tổng diện tích 629,9ha. Ông Đỗ Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết, thông qua DĐĐT, tổng diện tích đất dư ra là 65ha và mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa.
Theo UBND huyện Sóc Sơn, tính đến thời điểm này, toàn huyện đã và đang triển khai DĐĐT tại 21 xã với tổng diện tích hơn 9.200ha. Trong đó có 14 xã đã cơ bản hoàn thành công tác DĐĐT... Thông qua DĐĐT dự kiến có khoảng hơn 700ha đất dôi dư so với sổ sách quản lý ban đầu. Số đất này sẽ được sử dụng vào mở rộng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa...
Làm giao thông nội đồng phục vụ DĐĐT tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
Bám sát thực tiễn
Ông Nguyễn Ngọc Đồng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp thôn Bắc Thượng cho biết, ban đầu nhiều người dân có tư tưởng giữ đất mặt đường, không đồng ý DĐĐT để nuôi hy vọng bán đất "đổi đời". Do vậy, thôn đã quán triệt quan điểm làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện phương châm "3 không 2 có". Đó là: không chủ quan nóng vội, không chạy theo thành tích, không ỷ lại vào cấp trên; có đội ngũ cán bộ vững tin và có phương pháp tổ chức chặt chẽ, khoa học, sáng tạo. Để tạo niềm tin cho nhân dân và làm đòn bẩy cho quá trình DĐĐT, UBND xã Quang Tiến còn chỉ đạo quyết liệt giải tỏa 72 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự xây dựng và vi phạm đất đai trên địa bàn. Nhờ đó ngay hội nghị đầu tiên, 100% người dân thôn Bắc Thượng đã nhất trí cao với chủ trương, kế hoạch DĐĐT, xây dựng NTM...
Ông Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chia sẻ, việc thực hiện DĐĐT được xác định là khâu đột phá trong xây dựng NTM của huyện. Để làm tốt công tác này, trong quá trình triển khai, huyện đã yêu cầu chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ huyện xuống xã, thôn. Đặc biệt, huyện thường xuyên chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, sâu sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Dự kiến sau khi hoàn thành DĐĐT, huyện Sóc Sơn sẽ đầu tư hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như lúa chất lượng cao 1.200ha; rau an toàn, rau hữu cơ 1.900ha...
Theo ktdt.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn