Dự án TCNT III là dự án mà Việt Nam vay Ngân hàng Thế giới (WB) bằng nguồn vốn ODA để thực hiện mục tiêu hỗ trợ vốn cho khu vực nông thôn phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo thông qua các trung gian tài chính, gồm các ngân hàng thương mại (quốc doanh và cổ phần), các quỹ tín dụng nhân dân...
Tổng giá trị dự án là 200 triệu USD, thời hạn vay 40 năm, trong đó 10 năm ân hạn. Số tiền 200 triệu USD bắt đầu giải ngân khoản vay đầu tiên dành cho người dân nông thôn vào năm 2009. Tính đến 30.11.2012 đã có hơn 92.000 khoản vay được giải ngân đến với hàng triệu gia đình và doanh nghiệp nông thôn. Tổng số 92.000 khoản vay mà các trung gian tài chính giải ngân cho người vay chủ yếu là để người dân thực hiện các tiểu dự án sản xuất kinh doanh như chăn nuôi gia súc, chế biến thủy hải sản, trồng trọt, sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở quy mô nhỏ…
Ông Harideep Singh (thứ hai bên phải) - Giám đốc dự án TCNT III đi kiểm tra thực địa. |
Việc Việt Nam cam kết thực thi mạnh mẽ chính sách phát triển bền vững trong khuôn khổ Dự án TCNT III-WB thể hiện ở chỗ, mỗi khoản cho vay lại từ dự án để người vay triển khai tiểu dự án, ngoài trách nhiệm của ngân hàng trong việc thẩm định về mặt kỹ thuật và khả năng trả nợ (hoàn vốn) của người vay, các trung gian tài chính được lựa chọn tham gia Dự án III phải thẩm định các chỉ tiêu về mặt bảo vệ môi trường của từng tiểu dự án đó trước khi giải ngân.
Nhờ làm tốt công tác thẩm định về mặt môi trường, nên trong 4 năm triển khai không có tiểu dự án nào vi phạm về mặt môi trường, được các cơ quan quản lý nhà nước về mặt môi trường của Việt Nam và các đoàn giám sát định kỳ của WB đánh giá cao. Đây là thành công nổi bật mà Dự án III đạt được tại Việt Nam từ trước tới nay, bởi chỉ có dự án này mới có những yêu cầu khắt khe tuân thủ các quy định BVMT. Trong khi đó, nếu các trung gian tài chính và người vay thực hiện các hoạt động cho vay ngoài nguồn vốn Dự án III, thì vấn đề BVMT ít được quan tâm.
Nếu xét về lợi ích kinh tế, theo đánh giá trong báo cáo đánh giá giữa kỳ Dự án TCNT III- WB cho thấy, cứ 1USD đầu tư của Dự án TCNT III trong năm đầu tiên tạo ra 0,55USD thu nhập tăng thêm hàng năm nhờ vào sự đóng góp chung của các bên tham gia. Nhờ đó mà từ nguồn vốn ban đầu 200 triệu USD, trong năm thứ 4 triển khai Dự án III, tổng mức đầu tư lũy kế ở khu vực nông thôn do Dự án III mang lại là 338 triệu USD.
Đặc biệt, do kết hợp chặt chẽ giữa thẩm định về mặt kỹ thuật, khả năng trả nợ của người vay với công tác thẩm định về mặt môi trường nên dự án đã tạo ra tính bền vững trong thu nhập cho cả trung gian tài chính và người vay.
Qua 4 năm triển khai, đã có 30 trung gian tài chính được Ban quản lý Dự án III (BIDV) lựa chọn tham gia vào quá trình giải ngân nguồn vốn 200 triệu USD, với hơn 92.000 tiểu dự án được đầu tư, thực hiện. Trong đó, không có trung gian tài chính hay tiểu dự án nào vi phạm về mặt môi trường, không phải bỏ ra bất cứ đồng vốn nào để khắc phục sự cố hay bị các cơ quan công quyền xử phạt về mặt môi trường.
Có được kết quả này là nhờ trong 4 năm qua Chính phủ Việt Nam đã thực thi mạnh mẽ cam kết về BVMT trong khuôn khổ Dự án III ngay khi ký kết hiệp định vay. Dự án III đã biết tận dụng tốt hàng trăm ngàn mạng lưới chi nhánh lớn nhỏ thông qua hàng trăm ngàn cán bộ tín dụng của 30 trung gian tài chính trên phạm vi toàn lãnh thổ VN cùng vào cuộc, vừa tuyên truyền, vừa thực hiện các chính sách BVMT.
Cũng nhờ đó, Chính phủ Việt Nam đã gián tiếp bổ sung một lực lượng lớn cho các cơ quan công quyền về BVMT tại Việt Nam phối hợp vào cuộc, thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển bền vững về mặt môi trường, qua đó gia tăng tính bền vững về mặt tài chính, thu nhập mà các bên đạt được trong hiện tại và tương lai.
Trương Hồng Hải – Phó Giám đốc SGD3-BIDV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn