Phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Hàng loạt các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) được triển khai tại địa bàn nông thôn miền núi trên cả nước mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, để KH&CN ngày càng phát huy vai trò hơn nữa rất cần sự chung tay của các cấp, ban, ngành.
Hiệu quả từ những chính sách
Bộ KH&CN đã phối hợp với nhiều bộ, ngành thực hiện chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 1998 - 2002”; chương trình "Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2004 - 2010” và đang thực hiện chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2010 - 2015”. Những chương trình này đã mang lại nhiều kết quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn nông thôn miền núi, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và miền xuôi, giữa thành thị và nông thôn.
Nhờ áp dụng khoa học công nghệ, những cánh đồng hoa ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng)đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Ông Nguyễn Thế Ích, quyền Chánh văn phòng chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2010 - 2015” cho biết: Từ năm 2011, Nhà nước đã phê duyệt 278 dự án chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông thôn, miền núi thực hiện trên địa bàn 60 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí là 1.300 tỷ đồng. Dự kiến sẽ huy động khoảng 600 lượt cán bộ khoa học từ 86 tổ chức KH&CN về phục vụ tại địa bàn nông thôn, miền núi; giúp xây dựng 870 mô hình, tập huấn cho hơn 60.000 nông dân. Các dự án nhằm giúp địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển công nghệ giải quyết vấn đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống cây, con có năng suất, chất lượng; tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp để sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; sản xuất rau an toàn; sản xuất giống và nuôi trồng thủy, hải sản.
TS Mai Nhữ Thắng, PGĐ Sở KH&CN Thanh Hóa cho biết: Năm 2011, tỉnh tham gia 2 dự án với kinh phí hơn 4 tỷ đồng và năm 2012 cũng tham gia 2 dự án với kinh phí trên 5 tỷ đồng. Chương trình đã trực tiếp hỗ trợ nông dân ứng dụng KH&CN vào sản xuất, qua đó góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân trong sản xuất về việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống.
Một số kết quả từ chương trình có thể kể đến như: Trong sản xuất lúa gạo đã cơ giới hóa khâu làm đất khoảng 80% diện tích; khâu thu hoạch đạt khoảng 30% trong đó vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, nhờ chính sách mua máy gặt đập liên hợp nên diện tích lúa thu hoạch bằng máy mỗi năm được khoảng 20.000 ha. Đối với cây mía, tỉnh cũng đã thực hiện cơ giới hóa khâu làm đất được khoảng 70% diện tích. Năm 2011 - 2012 tỉnh đã áp dụng biện pháp cày sâu bón vôi với diện tích lớn nâng năng suất tăng lên 20 - 25% so với năm 2010.
Việc áp dụng KH&CN không chỉ giúp nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn mang đến cho người nông dân cơ hội làm giàu. Tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng, đã ứng dụng rất thành công công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như trồng rau, hoa, quả trong nhà lưới, nhà nilon; nhân giống nuôi cấy mô; các công nghệ tưới tự động… Hiện có trên 50 hộ nông dân đầu tư và vận hành rất thành công cơ sở nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô - công nghệ mà cách đây 10 - 15 năm chỉ có thể thực hiện ở các cơ sở nghiên cứu.
PGS.TS Lê Xuân Tám, GĐ Sở KH&CN Lâm Đồng cho biết: Nhờ tham gia các chương trình ứng dụng chuyển giao mô hình trồng ớt ngọt thực hiện từ năm 2004 và đến năm 2012 đã đạt doanh thu 1.050 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 1,5 lần về sản lượng và cao gấp 1,7 lần chất lượng so với trước. Rau an toàn các loại cũng đạt đến 7 vụ/năm, mang lại doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm. Hoa ly, lay ơn cũng đạt doanh thu đến 566 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra các loại cây, con khác cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao như chè, cá hồi, cá tầm, cà phê… Điển hình là mô hình đầu tư nuôi cá nước lạnh với vốn 250 triệu đồng, được thực hiện thí điểm tại huyện Đức Trọng, Lạc Dương - Lâm Đồng đã đạt kết quả tốt với tỷ lệ 90% số cá được nuôi sống và lên cân nhanh. Đầu năm 2012, đã có 9 đơn vị, tổ chức cá nhân đầu tư phát triển mô hình nuôi cá này.
Chương trình thực hiện trên cả nước đã tạo sự phát triển kinh tế xã hội cân bằng giữa các vùng, miền, ông Nguyễn Văn Hiền, GĐ Sở KH&CN Thái Bình chia sẻ, những năm qua, cùng với việc nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn giống cây, con; các quy trình công nghệ mới; hoạt động KH&CN của tỉnh còn đầu tư kinh phí xây dựng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả cao. Trong đó, mô hình trình diễn giống dưa Thanh Lê do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo có thời gian sinh trưởng ngắn từ 65 - 75 ngày, năng suất đạt 20 - 22 tấn quả/vụ/ha, mang lại giá trị kinh tế tới 80 -90 triệu đồng/ha. Kết quả nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cũng đã phục vụ có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi giống lúa từ dài ngày, bị động… chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu sang các giống lúa chủ lực là những cây ngắn ngày, có sức chịu đựng thay đổi thời tiết cao. Những giống lúa này đã giúp cho năng suất lúa tỉnh Thái Bình trong 4 năm qua bình quân đạt 13 tấn/ha/năm, sản lượng ổn định trên 1 triệu tấn, hệ số quay vòng đất nâng lên từ 2,2 đến 2,6 lần và nhiều vùng 4 vụ với thu nhập 100 - 150 triệu đồng/ha/năm.
Cần một cơ chế phối hợp đồng bộ
Tuy nhiên, với những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải cho rằng đáng khích lệ nhưng chưa ấn tượng, chưa tạo được sức lan tỏa rộng, chưa tạo được sức đột phá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn nông thôn miền núi.
Thực tế cho thấy, dù được thực hiện cả ở 3 vùng, miền nhưng việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất chưa đạt kết quả như mong muốn. Một trong những nguyên nhân là do trình độ dân trí cũng như nguồn nhân lực trong lĩnh vực KH&CN nhiều vùng còn chưa cao và thiếu đồng đều. Theo thống kê của Ban KH&CN địa phương - Bộ KH&CN thì nguồn nhân lực có trình độ cao thường sống và làm việc tại các thành phố lớn, cán bộ chuyên trách về KH&CN thường chỉ có đến cấp tỉnh, rất ít nơi có cấp huyện và cấp xã hầu như chưa nơi nào có. TS Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng, Trưởng ban KH&CN địa phương cho rằng, phát triển KH&CN cần rất nhiều yếu tố nhưng yếu tố đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có tính quyết định hơn cả.
Bên cạnh khó khăn về trình độ, nguồn nhân lực thì việc chuyển giao công nghệ cao (CNC) tại địa bàn nông thôn miền núi còn gặp phải một số khó khăn như hiện nay, ở nước ta còn thiếu một quy hoạch tổng thể toàn quốc cũng như ở từng địa phương dẫn đến có lúc bộ, ngành, địa phương đều muốn phát triển ứng dụng CNC trong nông nghiệp nhưng không biết bắt đầu từ đâu, phát triển như thế nào, dẫn đến tình trạng ứng dụng CNC mà lại “không cao”.
Thêm vào đó, mặc dù được Nhà nước quan tâm nhưng nguồn tài chính đầu tư cho nghiên cứu phát triển CNC trong nông nghiệp còn chưa thỏa đáng lại thiếu tập trung, manh mún, xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm. Thí dụ, cũng là nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô nhưng rất nhiều nơi viện, trường tiến hành nghiên cứu. Điều này dẫn đến một thực tế là nhiều nơi có sản phẩm nghiên cứu nhưng ít nơi có kết quả nghiên cứu vượt trội.
Theo TS. Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ KHCN và các ngành KTKT, Bộ KH&CN, còn một nguyên nhân khác, đó là việc nghiên cứu ứng dụng CNC trong nông nghiệp vốn đã không nhiều lại chỉ chủ yếu tập trung ở các tổ chức KH&CN trong ngành nông nghiệp, còn các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác như vật liệu, cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ nano…, còn chưa quan tâm nên chúng ta chưa có nhiều CNC, đồng bộ trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đặc biệt, sự thiếu vắng các doanh nghiệp trong việc chuyển giao CNC trong nông nghiệp tại địa bàn nông thôn miền núi cũng là một rào cản không nhỏ.
Hiện nay, các đề tài nghiên cứu khoa học chỉ được cấp nguồn kinh phí đến khi nghiệm thu chứ chưa được cấp cho việc chuyển giao và thương mại hóa ra thị trường. Đây chính là lý do khiến các doanh nghiệp trở thành một mắt xích không thể thiếu trong quá trình đưa CNC đến với sản xuất. Thực tế trên cho thấy, ứng dụng CNC trong nông nghiệp ở nước ta rất cần một cơ chế phối hợp đồng bộ, một chính sách có tính hệ thống mang tính chiến lược lâu dài.
Về vấn đề ứng dụng CNC trong nông nghiệp trên địa bàn nông thôn miền núi, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải cho rằng, để ứng dụng CNC phát triển mạnh trên địa bàn nông thôn miền núi cần tập trung phát triển ứng dụng CNC trong nông nghiệp theo các hướng chủ yếu như: Ứng dụng những công nghệ có hàm lượng tri thức cao đến địa bàn nông thôn miền núi. Những công nghệ ứng dụng vào địa bàn nông thôn miền núi phải có tính năng công nghệ vượt trội so với công nghệ thông thường và những công nghệ này tạo nên sự đột phá chất lượng, hiệu quả và tạo nên giá trị gia tăng lớn, tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần thay đổi kinh tế của địa phương.
Với những công nghệ chuyển giao đến những địa bàn này cần chú ý yếu tố phù hợp, dễ tiếp thu, ứng dụng cho từng vùng, từng địa phương. Đặc biệt, cần chú ý đến việc tăng cường hơn nữa sự kết hợp giữa “4 nhà” để việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp trên địa bàn nông thôn miền núi thực sự có kết quả tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn miền núi.
Phương Hoàn
Theo Báo tin tức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn