Bà Thanh, một đại lý thuốc thú y ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chỉ tay vào những xô nhựa qui cách 5 kg, 10 kg xếp chồng cao nói với chúng tôi: “Đấy là những thùng thức ăn đậm đặc (cung cấp vitamin, khoáng, axit amin, còn gọi là Premix 4%) bổ sung cho heo con đến heo trưởng thành cả tháng nay bán có được đâu. Thậm chí như Cty Phát Việt Á (Đồng Nai) đưa xuống cho tui các sản phẩm như BcomlexC, Mix 01, 02, Mix Nái bán 50 ngàn/kg quảng cáo “chống còi, nở vai” cho ăn hoa hồng tới 50% nhưng bán cũng ế ẩm lắm, do giá heo rớt quá người chăn nuôi không dám dùng”.
Anh Tuyên, cán bộ tiếp thị Cty Nhân Lộc (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) chuyên SX thức ăn bổ sung Premix cho biết, chỉ riêng tỉnh vùng Đông Nam bộ, những lúc heo bán có giá trên 45 ngàn/kg doanh thu bán hàng của anh còn đạt trên nửa tỷ đồng/tháng, nay giá heo rớt dưới “hàng bốn” đồng nghĩa với doanh thu bán hàng của anh rớt hơn phân nửa.
Điều đáng nói, đây cũng là thời điểm mà các DN SX thức ăn bổ sung lôm côm không đăng ký chất lượng với cơ quan quản lý nhà nước tha hồ tung hoành thị trường. Tuy nhiên, “các cơ quan chức năng cũng chẳng kiểm tra làm gì, bởi họ thừa biết giá heo quá thấp thì người chăn nuôi không dại gì sử dụng chất cấm tạo nạc, bởi làm như thế thì người nuôi càng lỗ” - anh Tuyên khẳng định.
Người chăn nuôi đang chê các sản phẩm “chống còi, nở mông, nở vai”, “bung đùi, tạo nạc” vì không muốn heo mau lớn bán lỗ
Quả thực, nhìn vào bao bì sản phẩm thức ăn bổ sung của hàng loạt DN như Phát Việt Á, Ngọc Vân, Đôi Mắt Vàng, Huy Minh, Phú Nông, Thuốc Thú y Na-uy (Đồng Nai), Mỹ Phú (Cần Thơ), Khang Phú Gia (Long An), PHT (Tiền Giang), Anova (Bình Dương), Nam Thái (TP.HCM)... hầu hết đều được quảng cáo là “giúp heo mau lớn, nở mông, nở vai” hoặc “bung đùi, tạo nạc” mà chỉ cách đây 1 năm thôi đều bị các cơ quan chức năng địa phương đưa vào tầm ngắm có “chất cấm”.
Đặc biệt, có loại thức ăn bổ sung ghi ngoài bao bì thành phần vitamin A là 4 triệu đơn vị, nhưng theo tiết lộ của anh Tuyên thì trong thực tế thấp hơn nhiều so với thông tin công bố.
Ông Thái Ất (ấp 1, Bình Minh, Trảng Bom) nuôi 100 con heo nái lẫn thịt (trong đó có nhiều con heo thịt gần xuất chuồng) cho biết, các sản phẩm thức ăn bổ sung Premix hầu hết ở dạng bột mịn màu trắng sữa, hương thơm không chỉ bán qua các đại lý mà các DN còn mang hàng chào bán trực tiếp đến các trang trại chăn nuôi đựng trong các xô nhựa trọng lượng 20 kg, giá bán bình quân 30.000 đồng/kg.
“Thức ăn bổ sung trên thị trường gồm các loại vitamin, khoáng dưới dạng gói bột hoặc nước qui cách 100g, 1kg, 10kg; các loại protein dưới dạng bột 100g, 1kg, 10kg trộn vào thức ăn theo tỉ lệ 0,5%; 1%; 10%, giá cả vô chừng từ 30 ngàn đến 500 ngàn/kg, thậm chí cả 1 triệu/kg đối với loại vitamin nguyên liệu giúp heo mau lớn và hỗ trợ điều trị bệnh” (ông Phạm Đình Phúc, Khoa Chăn nuôi - Thú y, Đại học NL TP.HCM)”. |
Theo hướng dẫn, cứ 100 kg nguyên liệu cám tổng hợp thì trộn với 4 kg Premix cho giai đoạn heo con, còn heo đạt 70 kg thì cho “ăn thúc” thêm 4 kg trong khoảng 20 ngày để heo nhanh đạt trọng lượng 100 kg. “Giá heo đạt trên 40 ngàn/kg, chúng tôi có thể xem xét sử dụng vì cầm cự được, còn giá heo xuống mức 36 ngàn thì có muốn dùng để “tạo nạc, mông nở” cũng không thể được vì tăng chi phí mà không hiệu quả. Bây giờ chỉ mong đàn heo thịt lớn chậm để chờ giá tăng lên chút đỉnh mà bán thôi!”.
Ông Vương Kế Toại, GĐ DNTN Heo Vàng (quận Bình Tân, TP.HCM) chuyên SX thức ăn bổ sung cho hay, ngoại trừ “chất cấm” thì thức ăn bổ sung nhìn chung rất khó nhận ra hiệu quả trong quá trình chăn nuôi, nên các DN cạnh tranh với nhau chủ yếu về giá cả và chiết khấu cho đại lý, còn chất lượng mỗi DN “chế biến” mỗi khác. Vì thế khi giá heo xuống, người chăn nuôi quay lưng thì DN nào cũng bị tụt doanh số trầm trọng. Trong đó, tập trung chính là nhóm sản phẩm vitamin tổng hợp, protein bổ sung cho heo mau lớn.
Ông này cũng thừa nhận 4 tháng đầu năm 2013, DN Heo Vàng chỉ bán được 300 triệu đồng, giảm doanh thu tới 2/3 so cùng thời điểm năm ngoái. Có thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, các đại lý cấp 1 ở một số tỉnh trả về hàng loạt sản phẩm “chống còi, nở mông” với số lượng trên 10 tấn do không bán được. “Trước đây xưởng chế biến thức ăn Premix chúng tôi có 30 lao động SX thường trực, nay phải tạm thời cho nghỉ luân phiên nhưng vẫn cố gắng trả lương để giữ chân họ, phòng khi giá heo lên có lao động SX đồng bộ trở lại...” - ông Toại nói.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn