Tích cực chuyển đổi nghề Để đáp ứng nhu cầu của nhân dân các xã vùng ven, TP. Yên Bái đã kết hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Kỹ thuật Hà Nội mở 1 lớp dạy nấu ăn cho 90 học viên của 2 xã Phúc Lộc và Văn Tiến, 1 lớp công nghệ thông tin cho 52 học viên. Qua lớp học, học viên đã nắm được kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; một số người thành lập các tổ, nhóm nấu ăn phục vụ đám cưới, hội họp hoặc mở cơ sở phục vụ ăn uống cho người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Lan, Phó chủ tịch UBND TP.Yên Bái cho biết: "Mặc dù theo chỉ tiêu tỉnh giao không có nghề nấu ăn và công nghệ thông tin nhưng theo nhu cầu của nhân dân, thành phố đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề mở các lớp học nghề này. Bên cạnh đó, thành phố cũng thiết lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo và cơ sở cung ứng, giới thiệu việc làm gắn với định hướng cho lao động có nhu cầu học nghề". Việc chuyển đổi ngành nghề cho LĐNT được tỉnh Yên Bái xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xóa đói, giảm nghèo. Sau hai năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 11.324 lao động, 45 - 50% số người sau học nghề có việc làm. Trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã dạy nghề cho 1.571/6.140 LĐNT, đạt 24,5% kế hoạch. Trong đó, nhóm nghề nông nghiệp gần 1.000 người, nhóm nghề phi nông nghiệp 454 người và nhóm nghề thủ công mỹ nghệ 120 người. Ông Nguyễn Phúc Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Hoạt động dạy nghề phải gắn với tạo việc làm là cần thiết, song, để đạt được điều đó phải lựa chọn nghề phù hợp với địa phương, đồng thời bám sát kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện". Đào tạo chuyên sâu Tại hội nghị bàn biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô tuyển sinh dạy nghề ở trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề thấp; chất lượng đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng của thị trường lao động; các trường, trung tâm dạy nghề thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề; việc tư vấn học nghề, việc làm trong các trường phổ thông chưa hiệu quả... Chính vì vậy, các địa phương, đơn vị, các cơ sở đào tạo nghề cần phải thực hiện tốt quy hoạch phát triển đào tạo nghề của tỉnh, phù hợp với từng giai đoạn, đặc biệt cần tập trung đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dạy nghề, thu hút sự tham gia của xã hội trong triển khai các hoạt động dạy nghề và thu hút các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo án, giáo trình và đội ngũ giáo viên tham gia dạy nghề; tăng cường liên kết, hợp tác với các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề ngoài tỉnh để đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng. Theo ông Hoàng Đức Vượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái: "Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy nghề và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề năm 2012, các trường, cơ sở dạy nghề cần làm tốt công tác tuyển sinh ở trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo chỉ tiêu; tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai các hoạt động của Đề án 1956, tăng cường dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, các trường, các cơ sở dạy nghề cần tăng cường đầu tư thiết bị đồng bộ, tiêu chuẩn cho từng nghề, chú trọng đầu tư thiết bị dạy nghề đảm bảo đầy đủ, hiện đại cho các nghề trọng điểm, đạt tiêu chuẩn đào tạo các nghề cấp quốc gia, khu vực và quốc tế". Hà Anh Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn