Người Hre nuôi gà Mông
Mô hình nuôi gà Mông lần đầu tiên được triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Sơn Hà. 8 hộ Hre nghèo ở thị trấn Di Lăng có điều kiện chăn nuôi được chọn làm điểm, mỗi hộ nuôi 40 con. Các hộ nuôi được trạm khuyến nông huyện đầu tư con giống, hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng, chăm sóc. Sau 4 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 2,2-2,5kg/con. Bình quân thu nhập của hộ nuôi sau khi xuất bán gà đạt khoảng 10 triệu đồng.
Người Hre nuôi gà Mông theo Chương trình 30a. |
Ông Đinh Văn Trung – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà cho biết: “Mô hình này được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ. Sau khi nghiên cứu, trạm xác định giống gà Mông phù hợp với tập quán chăn nuôi, điều kiện khí hậu nên quyết tâm đưa về nuôi thử nghiệm”. Ông Trung bảo: Gà Mông dễ nuôi, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, phù hợp trình độ của bà con Hre nơi đây. Việc đưa gà Mông về nuôi còn có mục đích là cải tạo giống gà địa phương.
Mong tìm đầu ra...
Gia đình anh Đinh Văn Nam và chị Đinh Thị Giấy (thị trấn Di Linh) quây lưới B40 quanh khoảnh vườn rộng chừng 200m2 trong vườn nhà để nuôi gà Mông. Giữa khuôn viên ấy là một “ngôi nhà sàn nhỏ” bằng gỗ để làm chỗ cho bầy gà ngủ và đẻ trứng. Chị Giấy cho biết: “Gà Mông dễ nuôi lắm, không tốn nhiều thời gian. Mình có thể tận dụng lúc rảnh rỗi để cho ăn. Đến định kỳ thì tiêm chủng, khi trời chuyển thì cho ăn tăng cường thêm một số loại thức ăn để gà khỏe, không bị ốm”. Chị còn cho biết vừa mới bán 10 cặp gà và mấy chục trứng để góp tiền chuẩn bị xuống phố mua thêm một chiếc xe máy mới.
Theo ông Đinh Văn Trung, kỹ thuật nuôi không phải là vấn đề bà con ở đây băn khoăn. Cái lo lắng nhất là đầu ra cho sản phẩm. Với cung cách sản xuất mang nặng tính "tự cung tự cấp" nên dường như các gia đình này chưa biết cách "mang sản phẩm" của mình ra thị trường tiêu thụ. Đầu ra của gà thịt hoàn toàn thông qua tư thương nên giá bán luôn bấp bênh. Mặt khác, do chăn nuôi với quy mô nhỏ, thời vụ nên khi có "đơn đặt hàng" thường xuyên thì các hộ nuôi lại không đáp ứng được. Thực tế "cung chưa gặp cầu" đã gây thiệt thòi cho người nuôi gà Mông ở đây.
Hiện tại, thịt gà Mông tuy được đánh giá cao về độ dinh dưỡng nhưng do đặc tính của giống gà này là đen và chân có 5 ngón nên không thể sử dụng làm vật cúng trong dịp giỗ, tết. Đây cũng chính là vấn đề ảnh hưởng lớn đến "đầu ra" của gà Mông nơi này. Chính vì thế, sản phẩm gà thịt của các hộ nuôi càng cần phải tìm được thị trường tốt hơn cách cung ứng qua tư thương hoặc "đáp ứng nhu cầu địa phương" như hiện nay.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn