Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại Bạc Liêu Ảnh: Thanh Ngân
Thị trường yêu cầu: Sạch
Nếu như chục năm trước người ta nói nhiều đến giá cả, đến sản lượng, mẫu mã, cách tiếp thị sản phẩm nông nghiệp thì ngày nay, điều quan tâm nhất đối với người tiêu dùng gói gọn trong một chữ: “Sạch”.
Với quá trình mở cửa hội nhập, nhiều sản phẩm của nước ngoài đang dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, không chỉ bởi giá cả hợp lý mà còn vì người dân hầu như không phải lo lắng về mức độ an toàn của các sản phẩm này, do chúng được sản xuất từ các nước phát triển đồng thời qua sự kiểm dịch và kiểm tra chất lượng của các cơ quan chức năng Việt Nam. Lượng thịt bò châu Âu nhập vào Việt Nam năm 2014 chỉ là 1.700 tấn, nhưng năm 2015 đã lên tới 11.000 tấn, chưa kể mỗi tháng có khoảng 16.000 con bò Úc được nhập về Việt Nam nuôi vỗ để giết mổ. Ít ai nghi ngờ về giá thành bò Úc. Bởi trong khi Việt Nam mới chỉ dành 4,5 vạn ha diện tích đồng cỏ để chăn nuôi bò thì Australia có đến 760 vạn ha diện tích đồng cỏ dành cho đối tượng này. Trong năm 2015, có tới 55 doanh nghiệp nhập gà Mỹ về bán. Đó là chưa kể khả năng thịt lợn từ Mỹ cũng có thể ồ ạt tràn vào Việt Nam (giá thịt lợn hơi ở Việt Nam hiện cao gấp 3 lần thịt lợn hơi tại Mỹ).
Một số cuộc hội thảo quốc tế đã cho thấy sự quan tâm của các nước phát triển đối với nông nghiệp. Thay vì một cuộc công nghiệp hóa, tin học hóa, ngày nay công ăn việc làm, thu hút người dân ở lại nông thôn đang là vấn đề “nóng” ở châu Âu và nhiều quốc gia khác. Quá trình toàn cầu hóa đã kích thích tư tưởng sử dụng sản phẩm nội địa thay vì các sản phẩm đa quốc gia… Tuy vậy, bài toán sâu xa ở đây còn là vấn đề sử dụng nông nghiệp để bảo vệ môi trường, thay vì giải quyết bài toán môi trường do các nhà máy gây ra. Mô hình trang trại, nuôi thả bán tự nhiên, chăn nuôi không kháng sinh đang được phục hồi và phát triển ở nhiều nước.
Khi Chính phủ quyết liệt
Những năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam liên tục có những bước phát triển đáng ghi nhận, song cùng thời gian đó, nền nông nghiệp thế giới cũng chuyển mình thay đổi về chất, hướng đến sạch và bền vững. Những bài học phải trả giá về việc phát triển nông nghiệp quá nóng, như sự xuống cấp môi trường, suy thoái nguồn nước, biến đổi khí hậu, công ăn việc làm sút giảm… khiến các nước nỗ lực xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, an toàn hơn cho con người.
Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, khẳng định: “Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra rất quyết liệt trên toàn cầu thì Việt Nam chúng ta có 3 thế mạnh rất quan trọng, một là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hai là công nghệ thông tin và thứ ba là du lịch”.
Thủ tướng hoan nghênh ý định phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chỉ đạo triển khai những biện pháp cụ thể, trong đó có một gói tín dụng lớn để xây dựng nền công nghệ cao. Với mong muốn “Phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành một quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp”, Thủ tướng đã ấn nút khởi động chương trình rau an toàn cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phát động một thời kỳ mới cho nền nông nghiệp nước nhà.
Lợi thế của Việt Nam
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam vẫn có lợi thế trong cuộc cách mạng nông nghiệp ở thế kỷ 21. Nông nghiệp hiện vẫn chiếm 70% về diện tích, gần 70% dân số, 46% lao động. Nền nông nghiệp truyền thống của Việt Nam vốn là nông nghiệp hữu cơ.
Theo định nghĩa của Codex Alimentarius, cơ quan Liên hợp quốc giám sát các tiêu chuẩn về lương thực trên toàn thế giới, thì nông nghiệp sạch (hay còn gọi là nông nghiệp hữu cơ) là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người.
Nền nông nghiệp dựa nhiều vào thuốc trừ sâu và phân bón, hóa chất chỉ mới phát triển ở Việt Nam khoảng 30 năm nay. Tuy vậy, theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, năm 2010 cả nước có 21.000 ha nông nghiệp hữu cơ; hai năm sau, diện tích cũng chỉ tăng thêm được 2.400 ha, chỉ bằng… 0,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, Chính phủ Anh đã quyết định trong vòng 10 năm sẽ tăng quy mô nông nghiệp hữu cơ lên 30% diện tích! Giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Mỹ năm 2010 đã đạt 29 tỷ USD, trong đó 10,6 tỷ USD (xấp xỉ 30%) là rau quả hữu cơ, đáp ứng 12% thị phần tiêu thụ nội địa.
Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam như chè, gạo, rau… đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn nhưng chủ yếu vẫn phục vụ xuất khẩu. Mô hình trồng rau hữu cơ cũng đã triển khai ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt… Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đây cũng khẳng định, nền nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng “hữu cơ hóa” trong sản xuất phân bón và canh tác.
Nuôi trồng “không kháng sinh” và công nghệ cao
Năm 2017 sẽ đánh dấu việc giảm thiểu đi đến loại bỏ kháng sinh tại nhiều công đoạn trong chăn nuôi, nuôi trồng.
Bộ NN&PTNT đã xây dựng 21 mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP và kết quả rất tích cực với tỷ lệ sống của tôm sú đạt 78 - 82%; tôm thẻ chân trắng đạt 77 - 79%. Nhiều mô hình nuôi tôm sạch bệnh không sử dụng kháng sinh cũng rất lạc quan. Điều đó cho thấy, nếu áp dụng quyết liệt các biện pháp ngăn ngừa việc lạm dụng kháng sinh và chuyển đổi sang nuôi trồng bền vững, việc giảm dần và loại bỏ kháng sinh trong nuôi trồng sẽ sớm thu được kết quả tích cực.
Những ngày đầu năm 2017 này, dư luận quan tâm nhiều đến gói tín dụng 50 - 60 nghìn tỷ dành cho nông nghiệp công nghệ cao. Thực tế, vấn đề công nghệ cao đã được quan tâm nhiều thời gian gần đây. Đã có 25 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều tỉnh/thành đã có quy hoạch khu công nghệ cao, nhiều “đại gia” cũng đầu tư vào lĩnh vực này, đơn cử chỉ riêng Tập đoàn VinGroup đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào sản phẩm rau quả sạch.
Vấn đề đặt ra là quan niệm thế nào là nền nông nghiệp công nghệ cao? Rất nhiều người nghĩ rằng tự động hóa, công nghiệp hóa, nhiều máy móc hiện đại chính là nông nghiệp công nghệ cao. Song thực chất, công nghệ cao phải phục vụ cho những mục đích xây dựng nền nông nghiệp giàu tính nhân văn, trong đó có việc xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nuôi trồng giảm lệ thuộc vào kháng sinh, hóa chất, đảm bảo môi trường đất, nước và không khí không bị ô nhiễm hóa chất độc hại. Giáo sư Võ Tòng Xuân từng lý giải: “Vì sao thuốc độc hại vào Việt Nam? Đó là khi công ty nào đó ở nước ngoài sản xuất ra thuốc mà bị cấm thì họ tìm cách bán sang nước khác, bỏ thì tiếc”.
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Theo đó, Bộ NN&PTNT rà soát, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao theo hướng mở, hiệu quả bền vững. Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện chính sách thúc đẩy sức sáng tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; ưu tiên ngân sách cho các nhiệm vụ khoa học, ứng dụng công nghệ sinh học. Đó là những tín hiệu vui đầu năm cho người nông dân, giới trí thức, các doanh nghiệp và cả nền nông nghiệp nói chung trong quá trình phấn đấu vươn mình lên tầm khu vực và thế giới.
>>Công nghệ cao phải phục vụ cho những mục đích xây dựng nền nông nghiệp giàu tính nhân văn, trong đó có việc xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nuôi trồng giảm lệ thuộc vào kháng sinh, hóa chất, đảm bảo môi trường đất, nước và không khí không bị ô nhiễm hóa chất độc hại. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn