“Đòn bẩy” hỗ trợ người sản xuất
Theo Quyết định 2009/QĐ-UBND, đối tượng được hưởng những ưu đãi về hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp; chủ trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và cá nhân vay vốn của các tổ chức tín dụng để thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các nội dung đầu tư được ưu tiên hỗ trợ lãi xuất vay vốn gồm: Đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá nông nghiệp; đầu tư sản xuất các sản phẩm thuộc chương trình phát triển thương hiệu nông, lâm, thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh; đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô các cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản; đầu tư tiêu thụ hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản thông qua hợp đồng của người tiêu thụ với tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp; đầu tư các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá.
Tôm chân trắng Móng Cái là một trong những thương hiệu nông sản được ưu tiên hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn ngân hàng. Trong ảnh: Mô hình nuôi tôm tại xã Vạn Ninh (TP Móng Cái). Ảnh: Hữu Việt |
Cũng theo Quyết định, mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh được hỗ trợ lãi suất có mức dư nợ tối thiểu là 50 triệu đồng và được hỗ trợ bằng 50% lãi suất cho vay thương mại thấp nhất của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Quảng Ninh (áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ tại thời điểm chi trả tiền lãi suất hỗ trợ). Các tổ chức tín dụng cho vay khi tham gia chương trình này phải cam kết trách nhiệm với UBND tỉnh về đảm bảo bố trí nguồn vốn cho vay và tạo điều kiện thủ tục thuận lợi cho người vay vốn thực hiện chương trình. Thời gian hỗ trợ lãi suất được tính theo thời gian hiệu lực của từng hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng tối đa bằng thời gian kể từ ngày Quyết định 2009/QĐ-UBND có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2015.
Có thể nói, những nội dung trong Quyết định 2009/QĐ-UBND đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với việc phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhằm thúc đẩy nhanh chóng quá trình sản xuất hàng hoá khu vực này, góp phần hoàn thành sớm các mục tiêu trong chương trình xây dựng Nông thôn mới mà tỉnh đang thực hiện. Theo mức lãi suất hiện hành tại các ngân hàng, nếu người dân biết tận dụng chính sách mới này để vay vốn thì mức lãi suất phải trả cao nhất cũng chỉ vào khoảng 7,5%. Đây là mức lãi suất chỉ chênh lệch với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, hộ chính sách của Ngân hàng CSXH chưa đến 1%.
Đi tìm nguyên nhân
Các hộ dân TX Quảng Yên có thể tận dụng cơ chế hỗ trợ của tỉnh để phát triển và mở rộng mô hình trồng rau an toàn tại địa phương. Ảnh: Hữu Việt |
Qua hơn 3 tháng thực hiện Quyết định 2009, sơ bộ thống kê của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Quảng Ninh cho thấy dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn không có nhiều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2011. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Tất Đạt, Trưởng Phòng Tín dụng cho biết: Ngay sau khi tỉnh ban hành quyết định về việc hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng khu vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc triển khai các nội dung của Quyết định. Ban lãnh đạo ngân hàng cũng đã chỉ đạo các tổ tín dụng tạo điều kiện tối đa cho người dân khi thực hiện chính sách này. Các thủ tục vay vốn không khác nhiều so với thủ tục vay thông thường thậm chí là còn được quan tâm, ưu tiên hơn. Tuy nhiên, đã qua 3 tháng triển khai số lượng dư nợ phát sinh nằm trong diện ưu đãi rất ít ỏi. Có dự án trong diện ưu đãi nhưng khách hàng cũng không hề biết là có chính sách ưu đãi.
Qua khảo sát sơ bộ nhiều hộ gia đình có mô hình sản xuất thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, đặc biệt là các địa phương miền Đông như Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà… cho thấy đa phần đã nghe nói đến chính sách hỗ trợ mới của tỉnh. Tuy nhiên, khi hỏi cụ thể thì không nhiều hộ dân nắm chắc được chính sách này, một số hộ cho rằng mình không nằm trong diện được ưu đãi nên không quan tâm nhiều; số khác thì cho rằng thủ tục vay vốn chắc chắn sẽ phức tạp và khó khăn nên chờ… có người vay trước xem thế nào rồi mới vay. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan khác như nhiều đối tượng người dân do khả năng tiếp cận thông tin còn ít nên cũng chưa cập nhật được chính sách mới. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì thiết nghĩ đây sẽ là một thiệt thòi rất lớn đối với người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Vì chính sách nào cũng có thời hạn nhất định và cơ chế thì có thể thay đổi tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương nên người vay càng tận dụng sớm thì càng có lợi.
Chắc chắn rằng, đến thời điểm này là quá sớm để đánh giá quá trình và hiệu quả của một chính sách, tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế khoảng thời gian đầu triển khai, thiết nghĩ, để người dân có thể tiếp cận với lãi suất ưu đãi một cách tốt nhất, rất cần sự phối hợp tuyên truyền mạnh mẽ và hỗ trợ tối đa của các cấp, ngành, địa phương cũng như ngân hàng đến với các đối tượng này.
Hồng Nhung
Theo baoquangninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn