Nếu như trước đây, nông dân Chợ Đồn trồng cam, quýt chủ yếu tự phát, chưa có định hướng thì những năm gần đây, việc trồng cam, quýt đã được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương, vào Nghị quyết thực hiện của các cấp ủy Đảng . Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX chỉ rõ mục tiêu từ năm 2010 - 2015, toàn huyện trồng mới 200ha cam, quýt. Diện tích cam quýt ở Chợ Đồn tập trung chủ yếu ở các xã Đông Viên, Phương Viên, Rã Bản với gần 200ha. Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIX, huyện đã quy hoạch phát triển vùng quýt, bao gồm các xã Đông Viên, Phương Viên, Rã Bản, Đại Sảo, Yên Mỹ… Năm 2011 trồng được 140ha; năm 2012 hơn 70ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Từ nay đến năm 2015, mỗi năm huyện phấn đấu trồng mới 30ha. Nhiều cơ chế chính sách đã được Chợ Đồn ưu tiên cho phát triển cam, quýt như người trồng quýt được hỗ trợ 75% giá giống và 0,3kg phân bón NPK/cây đối với các hộ trồng năm đầu và trồng 100 cây theo đúng quy trình kỹ thuật với mật độ 400 cây/ha. Các hội đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Làm vườn… thường xuyên tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, giúp nông dân làm chủ được kỹ thuật bởi cam, quýt thường bị nhiều loại sâu bệnh gây hại. Sự chuyển biến rõ nhất trong quá trình phát triển cam, quýt ở Chợ Đồn là từ khi bà con mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng và chăm sóc, giúp thời gian sinh trưởng, cho quả rút ngắn từ 7-8 năm xuống còn 3-4 năm; cây cho quả đẹp, to, chín đều cùng thời điểm. Năm 2010, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm tỉnh Bắc Kạn triển khai mô hình trồng quýt tại xã Rã Bản nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả cho bà con. Ông Nông Văn Thời ở thôn Nà Phung, xã Rã Bản, một trong những người trồng nhiều quýt cho biết: “Trồng cam, quýt phải áp dụng tiến bộ kỹ thuật thì cây mới cho quả sớm. Trong 3 năm đầu, mỗi năm làm cỏ 3 lần, bón phân và phun thuốc đúng thời điểm. Khi cây cho quả phải thực hiện cắt, tỉa cành vượt để quýt có đủ ánh sáng quang hợp, cho quả to, đều”. Có thể nói, việc phát triển vùng đặc sản cam, quýt tại Chợ Đồn đã vượt qua giai đoạn đầu khó khăn khi năm 2007 vận động nông dân trồng theo phương pháp mới, bà con còn e ngại nhưng nay, khi hiệu quả kinh tế được khẳng định, nhiều gia đình trồng từ 1-2ha cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Cộng thêm những chương trình hỗ trợ phát triển của huyện nên trồng quýt đã trở thành phong trào ở các xã Rã Bản, Phương Viên, Đông Viên… Gần như các diện tích đất chạy dọc khe suối, bên triền đồi đều được bà con trồng quýt. Ông Hoàng Văn Tuân ở thôn Khuổi Giả, xã Rã Bản cho biết: “Gia đình trồng 3ha quýt; trong đó gần 2ha đã cho thu hoạch, sản lượng khoảng 4 tấn, trị giá 50 - 60 triệu đồng”. Có thể khẳng định, thu nhập từ quýt đã giúp nông dân Chợ Đồn cải thiện đời sống, từng bước vươn lên làm giàu. Tại xã Rã Bản, địa phương có diện tích trồng quýt nhiều nhất huyện, gần 100% số hộ tham gia trồng loại cây này. Hiện, Rã Bản là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện (3,8%); hộ khá - giàu xuất hiện ngày càng nhiều. Trong đợt tổng kết phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2011, Rã Bản là xã có nhiều nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi nhất với 18 hộ. Nghị quyết đưa ra hợp lòng dân nên việc trồng cam, quýt được người dân Chợ Đồn đồng tình ủng hộ. Nhưng để vùng đặc sản cam, quýt thực sự phát huy được hiệu quả, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng hệ thống thu mua tập trung cho bà con, tránh tình trạng tư thương ép giá. Nông Vui Nguồn:kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn