Bà con ở huyện Mai Sơn đang tấp nập vào vụ thu hoạch cà phê, nên những ngày đâu đâu cũng bắt gặp những chiếc xe máy thồ đầy ắp những bao tải cà phê chạy ngược xuôi đến nơi tập kết bán cho các thương lái. Những nương vườn cà phê sai chi chít quả được những đôi bàn tay khéo léo, chuyên nghiệp thu hái mau lẹ.
Không khí mùa thu hoạch cà phê nơi đây diễn ra tấp nập như trẩy hội, từ những người nông dân đến những công nhân làm thê đều lao động hăng say, tranh thủ ngày mùa để kiếm thêm thu nhập.
Nông dân Mai Sơn vào vụ thu hoạch cà phê.
Huyện Mai Sơn hiện có 4.200ha cà phê, chiếm 33,9% diện tích cây cà phê toàn tỉnh. Năng suất quả cà phê tươi ước đạt 120 - 150 tạ/ha, tổng sản lượng cà phê quả tươi mỗi năm ước đạt trên 52.000 nghìn tấn, doanh thu ước đạt trên 368 tỷ đồng. Cây cà phê được trồng tập trung tại 9 xã: Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Chung, Mường Chanh, Chiềng Dong, Chiềng Kheo, Chiềng Ve, Nà Ớt.
Nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ cà phê năm nay được mùa, hầu hết những nương vườn cà phê ở Mai Sơn đều đậu quả chi chít. Khác với những năm trước, năm nay ngoài việc không bị các thương lái, doanh nghiệp ép giá, cà phê Mai Sơn còn xây dựng được thương hiệu chỉ dẫn địa lý, đây chính là điểm nhấn quan trọng góp phần quảng bá, đưa thương hiệu cà phê Mai Sơn đến với các vùng miền trên cả nước.
Đến thăm vườn cà phê của gia đình anh Lò Văn Hồng, bản Củ II, xã Chiềng Ban (Mai Sơn), tận mắt ngắm nhìn những cây cà phê sai chi chít quả, đang trong gian đoạn thu hoạch mới cảm nhận hết được niềm vui của người nông dân trồng cà phê.
Ánh mắt ngập tràn niềm vui nhìn về phía vườn cà phê xanh tốt của mình, anh Hồng kể: Năm 1991 nhà tôi trồng cà phê thay thế cho cây mía, vì trồng mía hiệu quả không cao, cả nhà chăm chỉ lao động quần quật mà kinh tế gia đình không khá được là bao. Từ khi chuyển sang trồng cà phê, thu nhập gia đình từ đó tăng lên. Hiện nay gia đình tôi có 1ha cà phê, mỗi năm thu trên 20 tấn quả tươi, bỏ túi trên 200 triệu đồng.
Theo anh Hồng, trồng cà phê còn có thể trồng xen ghép được cây ăn quả như, mận hậu, xoài, bưởi… mà không ảnh hưởng đến chất lượng cà phê, vì vậy trên một diện tích đất có thể thu nhập tăng gấp đôi.
Những vườn cà phê sai chi chít quả được nông dân thu hái khẩn trương.
Còn anh Hoàng Văn Cường, từng là hộ nghèo nhiều năm, nhờ chuyển từ cây mía sang trồng cây cà phê mà giờ gia đình anh đã thoát nghèo, có của ăn, của để, 3 đứa con của anh được học hành đến nơi đến chốn. Giờ nhớ lại anh Cường thường nói: “Cây cà phê đúng là cây xóa đói giảm nghèo cho gia đình mình”.
Tin vui cho người trồng cà phê
Mấy năm trước đây, ở Mai Sơn chủ yếu trồng ngô, trồng sắn năng suất, giá thành thấp, bà con đã quyết định chuyển sang trồng cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều nông dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu từ chính cây trồng này.
Để cà phê phát triển bền vững, vừa qua huyện Mai Sơn đã tổ chức “Ngày hội cà phê Mai Sơn” nhằm quảng bá thương hiệu cà phê đến với người tiêu dùng trong nước. Đồng thời tạo sự liên kết giữa người trồng và người mua tạo đầu ra cho sản phẩm cà phê, giúp người trồng cà phê yên tâm sản xuất.
Vườn cà phê sai chi chít quả đến mùa thu hoạch.
Một tín hiệu vui với bà con, đó là sản phẩm cà phê Mai Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ trao Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La cho tỉnh Sơn La, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp người tiêu dùng cả nước biết đến, nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng cà phê, đưa cà phê trở thành cây trồng bền vững cho bà con nông dân của huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Ông Trần Đắc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết: Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, thời gian tới huyện Mai Sơn sẽ tiếp chỉ đạo, khuyến khích nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn chặt khâu sản xuất với khâu tiêu thụ tạo môi trường phát triển bền vững cho cây cà phê.
Ngoài việc bán quả cà phê tươi cho thương lái, người dân còn tự phơi sấy bán cà phê khô.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn