Hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn
Những năm qua, QTDND xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) hoạt động hiệu quả, vươn lên mở rộng dịch vụ vốn vay cho các doanh nghiệp và gia đình trên địa bàn 2 xã Diễn Kỷ và Diễn Hồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp tư nhân Trần Biên ở xã Diễn Hồng được QTDND cho vay 500 triệu đồng mua sắm, nâng cấp nhà xưởng. Chị Mai Thị Hoàng - Giám đốc cho hay: “Trước đây gia đình đầu tư dây chuyền sản xuất hạt nhựa tại khu vực dân cư nên gây tiếng ồn, ô nhiễm, nhưng khi được huyện, xã tạo điều kiện, chúng tôi đầu tư xưởng sản xuất tại KCNN Diễn Hồng. Quá trình đó rất cần vốn và đã được QTDND xã Diễn Kỷ đáp ứng, góp phần giúp chúng tôi thành công. Cán bộ tín dụng của điểm giao dịch Diễn Hồng thẩm định và giải quyết vốn rất nhanh, tạo cơ hội tốt cho đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp chúng tôi sản xuất hơn 450 tấn thép xây dựng các loại, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó và luôn trả nợ đúng thời hạn quy định của QTDND”.
|
Được vay vốn của QTDND xã Diễn Kỷ (Diễn Châu), Công ty Cây xanh Đức Cường đầu tư kinh doanh cây xanh, cây cảnh có giá trị kinh tế cao. |
Cũng tại xã Diễn Hồng, Công ty Đức Cường được QTDND Diễn Kỷ cho vay 1 tỷ đồng đầu tư phát triển nghề sản xuất, cung cấp cây ăn quả, chậu hoa, cây cảnh, cây bóng mát, cây lâm nghiệp. Từ nguồn vốn hỗ trợ đó, Công ty cây xanh Đức Cường nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những đơn vị cung cấp cây xanh nổi tiếng ở Diễn Hồng. Hiện nay, doanh nghiệp đã phát triển thêm 3 cơ sở sản xuất, doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động trong xã. Diễn Hồng là một trong những xã phát triển kinh tế năng động nhất của huyện Diễn Châu, nên nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh rất lớn. Ông Trần Văn Tấn - Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng cho biết: “Hiện xã có 68 hộ sản xuất CN - TTCN, có 750 hộ buôn bán lẻ, 10 Công ty TNHH sản xuất công nghiệp, 15 công ty TNHH kinh doanh TM - DV và hàng chục công ty xây dựng, nên ngoài nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, QTDND xã Diễn Kỷ đã hỗ trợ kịp thời vốn cho các thành viên đầu tư vào sản xuất - kinh doanh. Hiện dư nợ của điểm giao dịch QTDND ở xã gần 36,9 tỷ đồng”.
Hiện nay, huyện Diễn Châu có 10 QTDND và là địa phương dẫn đầu trên địa bàn tỉnh về số lượng phát triển hệ thống QTDND. Riêng QTDND xã Diễn Kỷ thu hút được 2.289 thành viên tham gia. Quỹ có tổng nguồn vốn hoạt động hơn 119,3 tỷ đồng, nhờ mở rộng địa bàn hoạt động và giải quyết kịp thời nguồn vốn vay, tổng dư nợ hiện đạt hơn 102,8 tỷ đồng (chiếm 86,18% tổng nguồn vốn). Phần lớn nguồn vốn đầu tư vào các ngành, nghề phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Ở huyện lúa Yên Thành, mô hình QTDND cũng phát triển khá sôi động với 9 đơn vị, trong đó nổi bật là QTDND Thị trấn Yên Thành, hỗ trợ cho các thành viên vay vốn với số tiền lớn để đầu tư vào sản xuất - kinh doanh. Bà Đặng Thị Tân - ở khối 5 Thị trấn Yên Thành vay 1,3 tỷ đồng (từ năm 2010) để đầu tư làm kinh tế trang trại tổng hợp tại xã Lăng Thành. Đến thời điểm này, trang trại này đã có nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường như: cá, gà, lợn và trồng rừng nguyên liệu. Doanh thu của trang trại đạt từ 500 - 600 triệu đồng/năm. Hay hộ anh Chính Sen vay 1,5 tỷ đồng (từ năm 2011) để mua xe ô tô giường nằm phục vụ kinh doanh vận tải khách tuyến cố định, từ nguồn vốn vay đó, đến nay kinh doanh hiệu quả và mua thêm 1 xe giường nằm phục vụ tuyến vận tải khách cố định...
Ông Phan Việt Anh - Giám đốc QTDND Thị trấn Yên Thành cho biết: “Quỹ hiện có tổng nguồn vốn hoạt động hơn 162 tỷ đồng. Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác huy động vốn nên tại địa bàn, số tiền gửi đạt 131 tỷ đồng, hỗ trợ tích cực cho các thành viên vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh. Dư nợ đạt 127 tỷ đồng, trong đó cho vay phát triển ngành nghề TTCN, kinh doanh dịch vụ chiếm 45%, cho vay sản xuất nông nghiệp 55%. Đồng vốn cho vay được các thành viên sử dụng đúng mục đích, đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thanh toán gốc và lãi kịp thời”.
Mô hình QTDND hiện nay đã tăng trưởng về quy mô và chất lượng hoạt động, bên cạnh những đơn vị nêu trên, tại các xã Nghi Hương (TX Cửa Lò), Đô Thành (Yên Thành), Vân Diên (Nam Đàn), Nghĩa Thuận, (TX Thái Hòa)… luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ cho vay. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chinh nhánh Nghệ An, hiện nay tổng nguồn vốn hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh là hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn huy động trong nhân dân gần 2.700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu do các thành viên đóng góp 229 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay hơn 2.600 tỷ đồng. Với những con số ấn tượng đó cho thấy, QTDND đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế tại các địa phương.
Cần nhân rộng mô hình
Sau khi chia tách, huyện Quỳnh Lưu hiện có 33 xã và thị trấn, nhưng mô hình QTDND lại chưa phát triển. Ông Hồ Quang Thắng - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND Quỳnh Lưu cho biết: “Trên địa bàn huyện mới có 2 QTDND ở Quỳnh Giang và Quỳnh Hậu. QTDND Cầu Giát hiện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình các ngành chức năng để thành lập. Mặc dù mô hình QTDND chưa nhân rộng được, nhưng thời gian qua, ở Quỳnh Lưu có 30/61 HTX nông nghiệp hoạt động dịch vụ tín dụng nội bộ hiệu quả, như ở Quỳnh Lâm, Quỳnh Bá, Quỳnh Đôi… Để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng này phát triển, các cấp, ngành liên quan cần tăng cường công tác quản lý và hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ là tín dụng cơ sở”.
|
Doanh nghiệp Trần Biên vay vốn quỹ tín dụng nhân dân Diễn Kỷ đầu tư sản xuất thép |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 700 cán bộ, nhân viên thuộc mạng lưới QTDND. Để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Nghệ An thường xuyên mở các lớp đào tạo các chuyên ngành như: nghiệp vụ QTDND, quản lý kinh tế, nghiệp vụ tín dụng, kế toán và chức năng kiểm soát… Qua thực tế hoạt động, chất lượng của các QTDND cơ sở ngày càng nâng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương, luôn chấp hành đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật. Cùng với đó, trang thiết bị ngày càng được đầu tư hiện đại hóa, hệ thống thông tin quản lý được kết nối trực tiếp và cập nhật thường xuyên với Ngân hàng Nhà nước.
Các hoạt động của QTDND được giám sát chặt chẽ. Ngoài công tác giám sát từ xa thông qua số liệu của các báo cáo tài chính, thống kê qua hệ thống thông tin mạng kết nối trực tiếp, hàng năm Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Nghệ An thực hiện hơn 20 cuộc thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động QTDND như: quản trị điều hành, huy động vốn, cho vay thành viên và các nghiệp vụ kế toán, thu chi tài chính… của các QTDND theo định kỳ. Qua đó kịp thời chấn chỉnh và khắc phục tồn tại, sai sót nếu có. Các QTDND được Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam điều hòa nguồn vốn để luôn đảm bảo khả năng thanh toán, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền…
QTDND hoạt động đúng tôn chỉ mục đích là tương trợ các thành viên vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, tạo được niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều phường, xã, thị trấn chưa thành lập được QTDND. Cùng với đó, một số quỹ chưa có đất để xây dựng trụ sở làm việc và chưa được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ, phát triển của nhà nước. Chính vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành để hoàn thiện hệ thống thể chế, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, tạo thuận lợi cho hệ thống QTDND hoạt động hiệu quả. Về tổng thể, trên địa bàn tỉnh cần có có những cơ chế, chính sách ưu đãi để làm nền tảng và động lực khuyến khích hệ thống QTDND phát triển, phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội của các địa phương.