Yếu kém trong chăn nuôi - nỗi lo lớn nhất
Những nội dung được xem là rất nóng bỏng, gắn liền với đời sống hàng chục triệu hộ nông dân đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt gần như chất chứa trong mỗi câu hỏi. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, trong giai đoạn khủng hoảng, nông nghiệp đã là bệ đỡ của nền kinh tế. Thế nhưng, nhiều lao động nông thôn đang phải bỏ đồng ruộng ra thành phố tìm việc làm vì thu nhập từ ruộng đồng quá thấp. Nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất với bà là hình ảnh người nông dân buồn rầu vì mua phải phân bón giả, để rồi vụ tới phải mất mùa. Đã nhiều lần chất vấn Bộ trưởng tại các kỳ họp Quốc hội, nhưng tình trạng vẫn tái diễn.
Trong khi đó, đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) lại chất chứa nhiều nỗi lo về sự yếu kém của ngành chăn nuôi. Bởi theo ông, dù là nước nông nghiệp nhưng nghịch lý là đầu vào về thức ăn chăn nuôi phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, chi phí sản xuất cao… Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của các hộ gia đình. Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, đây là vấn đề mà cá nhân ông cũng như Chính phủ quan ngại nhất khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước tình hình đó, một mặt Bộ NN&PTNT đã khuyến khích các hộ gia đình chăn nuôi với quy mô lớn hơn, nhất là chăn nuôi theo mô hình công nghiệp để có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) và làm ra sản phẩm với năng suất, chất lượng cao hơn. Nhưng mặt khác, vẫn phải chấp nhận và tìm mọi cách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi nhỏ duy trì sản xuất để có nguồn thu nhập, nhưng đồng thời tạo ra các sản phẩm chăn nuôi an toàn, có chất lượng và có hiệu quả.
Tác động của KHCN để hình thành vùng chuyên canh có năng suất cao còn hạn chế
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Chúng ta đã tăng mạnh diện tích, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi, đồng thời đã chú ý và nỗ lực để nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh, vì thế đã xuất khẩu được với số lượng lớn. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 28 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, đã đến lúc cần chuyển mình hơn nữa theo hướng để công sức và đồng vốn của người nông dân, của DN bỏ ra đem lại nhiều lợi ích hơn. “Chúng tôi xác định KHCN phải là một trong những khâu then chốt để giúp Việt Nam nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các loại nông sản”, ông Phát nhấn mạnh.
Chưa hoàn toàn đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam đứng trong “top” cao. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp vẫn trên cơ sở tăng quy mô sản xuất, khai thác sức lao động của người nông dân đến cật lực. Hàm lượng KHCN sau khai thác, chế biến vẫn rất yếu, đặc biệt là khâu định hướng quy hoạch nuôi con gì, trồng cây gì trong liên kết giữa các vùng, khu vực.
Ứng dụng KHCN là vấn đề sống còn
Tham gia giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, đã đến lúc phải nghiên cứu rất cẩn trọng để phát triển nông nghiệp và nông thôn vào chiều sâu chứ không thể theo chiều rộng như hiện nay. Đơn cử, chúng ta xuất khẩu tới 7 triệu tấn gạo trong năm 2013, nhưng giá trị thu được chỉ gần 3 tỷ USD. Như thế có thể thấy ngay giá trị đem lại từ xuất khẩu rất thấp.
Tuy nhiên, ông Quân cho rằng, mô hình sản xuất theo quy mô hộ gia đình đã hoàn thành sứ mệnh của nó, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu, đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng, vấn đề là Việt Nam sẽ không thể xây dựng được thương hiệu gạo nếu vẫn tiếp tục sản xuất manh mún, nhỏ lẻ với nhiều loại giống lúa khác nhau. “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về nội dung của Luật Đất đai, trong đó có vấn đề tích tụ ruộng đất. Nhưng rất tiếc đến thời điểm này chưa được đề cập đến”, ông Quân băn khoăn.
PGS - TS. Nguyễn Đăng Vang, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp cũng đề nghị giải pháp tăng cường khâu liên kết giữa nông dân và DN. “Nếu số lượng DN cứ tăng với tốc độ 20%/ năm thì phải sau 5 năm số DN mới tăng lên gấp đôi. Nhưng nếu liên kết với nhau thì với chính sách hiện nay, họ có thể lớn lên hàng trăm lần, thậm chí nhiều trăm lần. Công ty thực vật An Giang là một điển hình của sự liên kết rất nhanh chóng như vậy”, ông Vang nêu ví dụ.
GS - TS. Nguyễn Ngọc Kính thì cho rằng, cái khó là hiện nay nhiều chiến lược KHCN của Bộ KH&CN chưa thực sự gắn kết, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập vào nền kinh tế thị trường nên định hướng nghiên cứu khoa học chưa hoàn toàn chính xác. Nguyên nhân rất cơ bản là việc sử dụng và bố trí lãnh đạo còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra rất trầm trọng.
Để xảy ra tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và đứng đầu là Bộ trưởng. Thời gian qua, chúng tôi đã chú ý đến vấn đề này. Vì thế, chúng tôi xác định việc tăng cường quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng vật tư nông nghiệp cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của toàn ngành. Tuy nhiên, hiện tình hình chuyển biến còn chậm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn