NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Công - GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp xung quanh vấn đề này.
Đến thời điểm này Đồng Tháp đã triển khai đề án TCCNN như thế nào, thưa ông?
Đồng Tháp là một tỉnh thuần nông đi lên từ nông nghiệp với thế mạnh là SX lúa gạo và thủy sản. Bên cạnh đó còn có cây ăn trái, hoa màu, chăn nuôi. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp những năm gần đây đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém do kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất, chất lượng thấp.
Cụ thể, cá tra sau nhiều năm phát triển tốt cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm đi khi chỉ số đóng góp GDP cho tỉnh giảm dần. Riêng đối với lúa gạo, thời gian gần đây bắt đầu có sự khủng hoảng. Chính điều đó, tỉnh nhận thấy rằng, đã đưa nông nghiệp đi hết "chiều rộng", không còn đất để mở rộng quy mô nữa. Đất SXNN chỉ có 210.000 ha.
"Mục tiêu tổng thể của TCCNN của Đồng Tháp nhằm tăng thu nhập của nông dân trên cùng một đơn vị diện tích đất để cải thiện đời sống, tạo ra tốc độ tăng trưởng cao và bền vững cho nông nghiệp Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030", ông Nguyễn Văn Công - GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp. |
Do đó để đưa nông nghiệp đi vào chiều sâu, TCCNN là một nhu cầu cấp thiết hiện nay nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao và mối quan hệ SX, tiêu thụ bền vững.
Trong TCCNN, Đồng Tháp đứng trước thách thức gì, thưa ông?
Nông nghiệp VN đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 70% dân cư, là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, tăng trưởng ngành trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ, hỗ trợ đầu vào cho SX.
Thực tế cho thấy, SXNN ở Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung đều có dấu hiệu gây tác động tiêu cực đến môi trường như mất đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí SX và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng.
Trong tương lai, nguồn lực cho tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh không còn được dồi dào. Nông nghiệp phải cạnh tranh với các ngành công nghiệp và dịch vụ khác. Chi phí SX ngày càng cao cũng bắt đầu làm giảm khả năng cạnh tranh của nông nghiệp.
Từ đó, tỉnh xác định TCCNN theo cơ chế thị truờng, dựa vào quan hệ cung - cầu, SXNN theo định hướng thị trường và kinh nghiệm thực tiễn. Do những vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực nông nghiệp nên Đồng Tháp ưu tiên xây dựng đề án TCCNN đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
Nội dung trọng tâm của đề án TCCNN của tỉnh là gì?
Mục tiêu TCCNN của tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững SXNN dựa trên đổi mới tổ chức SX; đẩy mạnh liên kết giữa SX và thị trường, ứng dụng KHCNC. Nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng NTM.
Chúng tôi định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế SX trên cơ sở cơ cấu lại ngành, cơ cấu lại lao động, áp dụng KHCN với kết cấu hạ tầng đồng bộ. SX gắn với tiêu thụ trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng.
Mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, phát triển KT-XH bền vững. Nội dung chính của TCCNN sẽ được triển khai thực hiện cụ thể trên 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh gồm “3 cây và 2 con” đó là lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt. Trong đó có 2 ngành hàng mang tầm quốc gia là lúa gạo, cá tra.
Theo ông, khó khăn và thuận lợi trong TCCNN ở Đồng Tháp là gì?
Thuận lợi đầu tiên là Đồng Tháp triển khai tái cơ cấu trong bối cảnh tái cơ cấu chung của nền kinh tế quốc gia. Thứ hai là bắt đầu có những mô hình DN đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng chuỗi gắn kết giữa nông dân với DN. Không còn xu hướng như những năm trước đây là mỗi hộ SX riêng lẻ, tự phát theo tập quán. Bây giờ ngành nông nghiệp đang hướng họ hình thành SX có tổ chức.
Về khó khăn, theo tôi đó là việc thay đổi tập quán SX. Nhìn chung bà con đồng thuận chưa cao, cũng gây rất khó khăn cho triển khai TCCNN. Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp cũng rất lớn. Tuy nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích nhưng chưa phù hợp, thiếu sự đồng bộ và khó đi vào thực tế.
Để giải quyết những khó khăn này, chúng tôi phân ra từng giai đoạn, thực hiện từng phần việc cụ thể, trong đó giai đoạn đầu (2014-2015) sẽ tập trung thực hiện 3 vấn đề chính đó là: Định hình những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh cao, tập trung nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác và liên kết các DN tiêu thụ, chế biến nông sản đầu tư vào khu vực NN-NT của tỉnh.
Kiến nghị, đề xuất Trung ương, tỉnh những chính sách hỗ trợ phù hợp. Trang bị những kiến thức cơ bản về nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân...
Còn về thời gian cụ thể thực hiện đề án TCCNN?
Đề án được thực hiện trong 2 năm, từ tháng 1/2013 đến hết tháng 12/2014. Báo cáo cuối cùng của Đề án hoàn thiện trình Tỉnh ủy, UBND và HĐND tỉnh Đồng Tháp vào tháng 12/2014 phê duyệt. Bao gồm các nội dung chính như: Đánh giá thực trạng NN-NT của tỉnh giai đoạn 2000-2012. Vai trò của NN-NT trong phát triển KT-XH nhằm tìm ra các điểm nghẽn, nút thắt trong nông nghiệp.
Rà soát, đánh giá tính hợp lý, những hạn chế, vướng mắc trong việc triển khai các chính sách (từ TW tới địa phương) về phát triển KT-XH và chính sách phát triển NN-NT nhằm đưa ra những đề xuất điều chỉnh chính sách trong thời gian tới.
Định hướng phát triển NN-NT đến 2020 và tầm nhìn 2030. Đưa ra được định hướng tái cơ cấu, ý tưởng cho mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh. Tạo cơ chế thông thoáng thúc đẩy gắn kết nông dân và DN bằng chính sách, cơ chế, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...
Xin cảm ơn ông!
HOÀNG VŨ - PHẠM TOÁN
theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn