Ngày 8/4, tại phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ KH&CN trước Ủy ban Khoa học Công nghệ (KHCN) và Môi trường của Quốc hội về vấn đề ứng dụng KHCN trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đặt vấn đề: Người nông dân không được đào tạo chuyên sâu về khoa học, nhưng lại sáng tạo ra nhiều ứng dụng kỹ thuật rất hiệu quả và hữu ích, đó là một vấn đề cần suy nghĩ.
5 năm nữa sẽ chuyển biến rõ hơn
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đặt câu hỏi: Sau hơn 25 năm tiến hành đổi mới, ngành nông nghiệp mặc dù xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, giá trị thấp. Vậy cần làm gì để tăng giá trị xuất khẩu nông sản, tăng thu nhập, bảo đảm quyền lợi cho người nông dân? Thừa nhận thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, dù đứng trong top 15 nền kinh tế xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển theo chiều rộng, hiệu quả còn hạn chế. Bộ trưởng cho rằng: Phải thay đổi nhận thức. Làm ít sản lượng nhưng giá trị phải cao. Tới đây, sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, tiêu thụ lúa gạo để nông dân có đầu ra ổn định, phân phối công bằng, có lợi hơn cho nông dân. "Hy vọng trong 5 năm sẽ chuyển biến rõ hơn" - ông Phát bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Hai lần nhắc lại "câu chuyện quả dưa", "củ su hào", đại biểu (ĐB) Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) băn khoăn: Cứ được mùa thì rớt giá, đồng thời "tha thiết" yêu cầu nêu rõ những giải pháp phối hợp "tránh thương lái lũng đoạn thị trường". Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Giải pháp chính là tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết nông dân - doanh nghiệp để gia tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, phân phối lợi ích công bằng hơn...
Không hài lòng với giải trình này, ĐB Quốc hội Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau) thẳng thắn: Nông dân không tha thiết với đồng ruộng bởi ngoài câu chuyện kinh niên "được mùa mất giá", căn bệnh trầm trọng của ngành nông nghiệp còn chưa có thuốc chữa khi phát triển chủ yếu dựa vào vòng quay của đất, dựa vào sức lao động và thiên nhiên, chứ áp dụng KHCN rất yếu.
Chưa có nghiên cứu về thức ăn chăn nuôi
Liên quan đến vấn đề ứng dụng KHCN vào nông nghiệp, nhiều ĐB Quốc hội đã bày tỏ quan tâm đến kinh phí dành cho KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. ĐB Quốc hội Bùi Nguyên Súy (Phó trưởng Ban Dân nguyện) đặt vấn đề: Ngân sách cấp cho nghiên cứu KHCN là 2.400 tỷ đồng, vậy đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp là bao nhiêu, ứng dụng thực tiễn đã góp phần tăng GDP như thế nào... Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước về KHCN có xác định được tình trạng thất thoát, lãng phí, chỉ chạy theo tiến độ hay không? Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng: Ứng dụng KHCN vào nông nghiệp là vấn đề rất lớn, đồng thời thừa nhận nhiều lĩnh vực KHCN trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Liên quan đến khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi, gần như không có nghiên cứu về thức ăn chăn nuôi để thay thế sản phẩm nhập khẩu. Bộ trưởng hy vọng với cơ chế mới của Luật KHCN (sửa đổi), việc đề xuất đề tài theo hướng sát hợp với thực tế hơn. Theo đó, các nhà khoa học vẫn đề xuất, song các nhà nhà quản lý, doanh nghiệp cũng đề xuất "đặt hàng", Bộ tổ chức thực hiện, sau đó bàn giao cho người đặt hàng; tránh tình trạng dàn trải, lãng phí, nghiên cứu xong không có đầu ra.
Nông dân Việt Nam rất giỏi, nhiều người được thế giới phong tặng là những "ông vua" trong các lĩnh vực xuất khẩu. Chúng ta có 16 mặt hàng do nông dân làm ra xuất khẩu có vị trí cao trên thị trường 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng cần phải đảm bảo vấn đề thị trường để người dân có thu nhập tốt hơn. Đó là trách nhiệm của chúng ta. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Theo ktdt.vn