“Để cứu ngành chăn nuôi, phải khẩn trương thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm” - ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) - khẳng định với phóng viên Báo Công Thương.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi
Thật khó để tìm ra “gam màu sáng” trong bức tranh ngành chăn nuôi hiện nay. Hóa giải tình trạng này cần phải có biện pháp mạnh mẽ nào, thưa ông?
- Theo tôi, chúng ta phải thực hiện tốt cải cách trong ngành chăn nuôi, tổ chức lại sản xuất. Do vậy, đẩy mạnh thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi” mà Bộ NN&PTNT đã phê duyệt là rất quan trọng. Tinh thần chính của đề án là tập trung phát triển các sản phẩm Việt Nam có ưu thế và tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu. Trong đó, xác định tập trung đầu tư khoa học công nghệ, chăn nuôi theo quy mô công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bằng quy trình hiện đại; “kết nối” chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, hình thành các sàn giao dịch, trung tâm giao dịch để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi…
Chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ, hộ gia đình. Theo ông, cần làm gì để gắn kết các hộ gia đình với doanh nghiệp nhằm tăng chuỗi giá trị?
- Muốn tăng sức cạnh tranh, người chăn nuôi không thể đứng một mình mà bắt buộc phải liên kết lại trong sản xuất. Ví dụ, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã…Thông qua các tổ chức này, ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, khi đó sẽ bảo đảm vấn đề đầu vào, đầu ra của quá trình sản xuất.
Bộ NN&PTNT đang xây dựng Nghị định về hợp tác xã nông nghiệp để có những hỗ trợ cho người chăn nuôi thành lập các mô hình hợp tác xã kiểu mới. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020.
Đây chính là những giải pháp thiết thực hỗ trợ người nông dân thích nghi với bối cảnh hội nhập.
Theo ông, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi cần tập trung vào khâu nào để tạo sự bứt phá?
- Ở góc độ của doanh nghiệp, ngoài việc áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ tiên tiến để nâng quy mô giảm giá thành sản phẩm, thì việc nghiên cứu thị trường rất quan trọng. Chẳng hạn, muốn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật, chúng ta phải tìm hiểu yêu cầu sản xuất bên họ để xây dựng các quy trình sản xuất ở Việt Nam đáp ứng quy định của các nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, các hàng rào kỹ thuật chính là “vũ khí” để bảo vệ sản phẩm chăn nuôi trong nước. Quan điểm của ông trước vấn đề này?
- Tôi cho rằng các hàng rào thuế hay hàng rào kỹ thuật chỉ là những giải pháp mang tính thời điểm, còn về lâu dài, vẫn phải nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng chất lượng, giảm giá thành sản xuất. Tức là, tăng nội lực, sức cạnh tranh của sản phẩm ngay từ trên sân nhà.
Hơn nữa, việc thiết lập các hàng rào kỹ thuật không đơn giản, đòi hỏi phải có trình độ khoa học công nghệ cao và sự đầu tư rất lớn từ phía nhà nước và doanh nghiệp. Ví dụ, chúng ta đưa ra tiêu chuẩn về các thành phần vi sinh vật nhiễm trong thịt, chúng ta phải có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế với trang thiết bị hiện đại và nguồn lực chất lượng cao.
Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Nga - Lan Anh (Báo Công Thương)