Rau sạch bán như rau thường
Anh Nguyễn Văn Ngọc ngụ xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, gia đình có 7 công đất trồng các loại rau củ như bầu, bí, dưa leo... theo chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất tốt), sản lượng đạt hơn 60 tấn/vụ.
Sơ chế rau đạt chuẩn VietGAP tại một HTX ở Đức Trọng (Lâm Đồng). |
Từ khi đạt chứng nhận VietGAP, rau của gia đình anh Ngọc được HTX Nhuận Đức thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 800 - 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, HTX chỉ thu mua một nửa sản lượng, phần còn lại, anh Ngọc phải mang ra chợ đầu mối Hóc Môn bán như các loại rau củ bình thường khác.
Mới đây, rất nhiều người trong số gần 300 nông dân tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề Sản xuất rau theo VietGAP do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức, khi được hỏi đều cho rằng, trồng rau theo VietGAP không khó nhưng trồng xong, bán như rau thường thì liệu có công bằng.
Tổng hợp báo cáo từ các sở NNPTNT đến cuối năm 2012, chỉ mới 20 tỉnh trên cả nước lập quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với diện tích gần 8.000ha. Cả nước có gần 16.700ha diện tích được bà con nông dân sản xuất theo hướng an toàn nhưng chưa được chứng nhận. Tuy nhiên, sản lượng rau sạch chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nội địa hiện nay. |
Trong khi đó, TS Nguyễn Công Thành (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam) cũng chỉ ra rằng, trong lúc tranh tối tranh sáng, các loại rau bẩn giá thấp tràn lan thị trường như hiện nay, nhiều nhà hàng, siêu thị không mặn mà với rau sạch vì giá cao, sản lượng có hạn càng khiến việc tiêu thụ sản phẩm rau VietGAP khó khăn thêm.
Chờ đến bao giờ?
Giữa năm 2011, HTX Thỏ Việt (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) khai trương hệ thống siêu thị mini chuyên cung cấp các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP tại đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM) khiến nhiều nông dân đang thực hiện VietGAP phấn khởi.
Tham vọng của Thỏ Việt thời gian đó là sẽ mở được thêm 5 - 7 siêu thị mini tương tự trong năm 2011, giải quyết đầu ra cho xã viên. Tuy nhiên, trao đổi với NTNN mới đây, một đại diện Thỏ Việt cho biết, do vắng khách, siêu thị rau sạch VietGAP của đơn vị này đã phải đóng cửa.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Phía Nam cho rằng, việc đưa rau sạch vào các siêu thị hiện nay còn khá bất cập khi nhiều nhân viên thu mua của siêu thị vẫn không phân biệt được rau an toàn, rau VietGAP và rau hữu cơ. “Nhiều hệ thống siêu thị cũng hô hào rằng sẽ ưu tiên phân phối sản phẩm sạch, nhưng có doanh nghiệp trình giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ để được phân phối nhưng vẫn bị một hệ thống siêu thị lớn từ chối, họ bảo rằng phải có chứng nhận VietGAP mới được. Như vậy, làm sao đánh giá đúng giá trị các sản phẩm sạch?” - ông Nghĩa đặt vấn đề.
TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cũng than thở rằng, chỉ riêng việc thiết kế logo nhận diện cho sản phẩm VietGAP thôi mà đã hơn 2 năm chưa hoàn thành, gây nhiều bất lợi trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, đảm bảo đúng chỉ tiêu chất lượng. Bà Mai cho rằng, nếu tình trạng này cứ kéo dài thì biết đến bao giờ ngành sản xuất rau quả Việt Nam mới thoát khỏi tình trạng mất an toàn?”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn