Thời gian gần đây, người dân trồng chanh tại xã Thuần Mỹ, H.Ba Vì (Hà Nội) liên tục kêu lỗ vì giá chanh 'rớt' thảm hại.
Anh Trần Văn Hùng (thôn 3) có 200 gốc chanh từ đầu năm đến giờ thu hoạch được hơn 100 tấn nhưng còn “chưa buồn tính xem được bao nhiêu tiền vì giá chanh rẻ quá. Đầu năm còn được 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng giá cứ rớt dần 20.000, 15.000, 8.000, bây giờ bán tại vườn chỉ được 3.000 - 4.000 đồng/kg. Cũng không biết sao mà rớt giá kinh khủng thế!” - anh nói.
Hiện nhà anh Hùng vẫn còn nhiều chanh chưa thu hoạch nhưng cũng không muốn hái vì chẳng được bao nhiêu tiền. Nhà anh Phạm Văn Dũng (thôn 4) trồng 200 gốc chanh đào cũng rơi vào thảm cảnh tương tự. Do chăm sóc kỹ càng nên từ đầu năm đến giờ sản lượng thu hoạch được hơn 2 tấn nhưng giá bán loại 1 chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg loại đẹp. "Tôi mang ra tận chợ bán mà cả 2 tấn chanh chỉ lãi được 9 triệu đồng. Nếu để dân buôn đến tự cắt tại vườn, giá vẫn thế nhưng lỗ chắc" - anh nói.
Trong khi người dân trồng chanh tại các thôn, xã này “chán rã”, một số hộ đang tính chặt bỏ hoặc trồng xen bưởi, na vào để bù lỗ thì người tiêu dùng vẫn phải mua chanh với giá cao hơn gần chục lần tại các chợ lẻ hay chợ đầu mối. Đơn cử, chanh bán tại chợ tạm khu Xa La (Hà Nội) vào sáng hôm qua (10.9) được ghi nhận giá 25.000 đồng/kg. Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM, giá chanh dao động trong khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg. Đơn cử tại chợ Xóm Chiếu (Q.4), chanh không hạt bán giá 25.000 đồng/kg, 20.000 đồng/kg cho loại có hạt. Cách đấy không xa, cũng trên địa bàn Q.4, chanh được bán đồng giá 25.000 đồng/kg cả 2 loại to và nhỏ, không phân biệt có hạt hay không hạt.
Nghịch lý là trong khi giá chanh trong nước rớt thảm hại thì từ vài năm trước, lá chanh đã được một số công ty thu gom cả chục tấn xuất khẩu sang thị trường châu Âu thu về cả triệu USD. Không chỉ lá chanh, các loại nông sản giá trị tưởng chừng chỉ tính bằng mấy đồng tiền lẻ khác như lá tía tô, lá trầu không, lá chuối… lại rất được ưa chuộng ở nước ngoài, có khả năng thu về lượng ngoại tệ rất lớn. Rất có thể, trong thời gian tới, người nông dân sẽ phải tính đường chuyển qua chăm sóc lá chanh để xuất khẩu, thay vì lo mang chanh “ế” đi biếu hàng xóm như hiện nay.
Hà Mai/ Thanh niên