Trong đó có: 28 hội quán sản xuất cây ăn trái, 10 hội quán sản xuất lúa, 06 hội quán sản xuất rau màu, 05 hội quán sản xuất hoa kiểng, 01 hội quán sản xuất bột, 01 hội quán sản xuất lươn thịt, 02 hội quán sản xuất khô mắm, 03 hội quán sản xuất Thanh Long, 01 hội quán kinh doanh đa ngành nghề, 01 hội quán du lịch và 02 hội quán cá tra, cá lồng bè và một số Hội quán sản xuất đa ngành, nghề. Trong quá trình hoạt động, số hội viên có xu hướng tăng dần. Ban chủ nhiệm được cơ cấu từ 3-7 thành viên là những nông dân ưu tú, có uy tín trong cộng đồng, có khả năng tập hợp các thành viên và liên kết trong các hoạt động của Hội quán.
Nội dung sinh hoạt của các hội quán rất phong phú. Các thành viên bàn luận, trao đổi cách làm mới có hiệu quả; các nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ hàng nông sản, tình hình an ninh trật tự, an sinh xã hội ở địa phương. Thời gian sinh hoạt hội quán định kỳ (hàng tuần, 02 tuần hoặc 01 tháng/lần).
Bên cạnh hỗ trợ các hội quán trong công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm sản xuất đảm bảo chất lượng, cung cấp bản tin cho sinh hoạt định kỳ, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, Sở Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ các hội quán kết nối mạng internet, đăng ký tài khoản cập nhật vào địa chỉ giao thương trên trang web: dongthapxanh.vn để giúp hội quán có thể đăng tải và tìm thông tin giao thương mua bán, kết nối với các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản.
Nhìn chung các lần sinh hoạt đã đạt hiệu quả thiết thực, góp phần làm chuyển biến nhận thức của bà con trong việc đưa cách làm mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là việc đoàn kết nội bộ giúp nhau phát triển kinh tế. Nếu như trước đây nông dân còn dè dặt trong việc trao đổi kinh nghiệm, ngại tiếp xúc với các nhà khoa học, nhà chuyên môn thì khi tham gia hội quán, họ đã làm người nông dân mạnh dạn trao đổi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sẵn sàng trao đổi cách làm hay cho nhau, từ đó giúp nhiều hộ cùng vươn lên trong sản xuất.
Hội quán hoạt động hiệu quả là do nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân tỉnh, các ban ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Đa số Ban chủ nhiệm của các hội quán có tâm huyết, nhiệt tình và hội viên tích cực tham gia sinh hoạt định kỳ. Các nhà khoa học, nhà chuyên môn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tiến bộ kỹ thuật mới và thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã hỗ trợ một phần kinh phí sinh hoạt cho các hội quán theo từng tháng từ nguồn kinh phí tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy cung cấp các thông tin về lĩnh vực nông nghiệp để các Hội quán kịp thời cập nhật thông tin phục vụ sản xuất…
Bên cạnh những thuận lợi trên thì hội quán cũng gặp một số khó khăn như: Khó khăn trong khâu tổ chức, điều hành; Nội dung sinh hoạt chưa phong phú, chưa thu hút hội viên, số lượng thành viên tham gia các buổi sinh hoạt chưa đầy đủ;Một số thành viên ban chủ nhiệm hội quán còn thiếu tự tin trong tổ chức, điều hành hoạt động; Kinh phí duy trì hoạt động của các hội quán còn hạn chế; Một số hội quán có nhu cầu vay vốn nhưng vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Ngân hàng; Việc liên kết giữa các hội quán với doanh nghiệp trong sản xuất chưa nhiều và chưa mang tính ổn định, nhất là việc liên kết trong cung ứng vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm; Do còn hạn chế về trình độ công nghệ thông tin nên việc cập nhật kiến thức để cung cấp cho các thành viên hội quán chưa kịp thời và thường xuyên.
Trong năm 2019 mục tiêu của tỉnh Đồng Tháp là thành lập thêm 20 hội quán, nâng tổng số hội quán lên 80 hội quán. Thời gian tới Tỉnh sẽ tập trung công tác tuyên truyền để nâng cao chất lượng hoạt động các hội quán; vận động hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ cho hoạt động các hội quán và phát triển thêm các hội quán nếu đủ điều kiện. Các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quy trình sản xuất, liên kết cho thành viên các hội quán; Giới thiệu các công ty, doanh nghiệp hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của hội quán; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm nông sản của Hội quán; Tăng cường mối liên kết 04 nhà trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất theo quy luật thị trường để vừa thúc đẩy sản xuất vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường; Tiếp tục phát triển hội viên của hội quán trên tinh thần tự nguyện; Xây dựng các nội dung bàn cách hỗ trợ nhau làm ăn phát triển kinh tế gia đình bền vững; Hỗ trợ một phần kinh phí sinh hoạt cho các hội quán từ nguồn kinh phí tái cơ cấu nông nghiệp.
Không vì những khó khăn kể trên mà ngừng lại, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp sẽ cố gắng hơn nữa để hội quán là nơi nông dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ nhau làm ăn, phát triển kinh tế gia đình nói riêng và phát triển kinh tế tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Nguyễn Thị Yến
Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp/ khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn