Gia Lai tái cơ cấu kinh tế gắn với các mô hình sản xuất tiên tiến
Thứ sáu - 17/02/2017 02:58
Năm 2017, tỉnh Gia Lai phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 7,5%, theo đó các chỉ tiêu về sản xuất nông lâm nghiệp - thủy sản tăng 5,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,6%, dịch vụ tăng 8,4%... nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm.
Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây tiêu ở huyện biên giới Đức Cơ.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Gia Lai đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng sức cạnh tranh.
Trong đó, đặc biệt khuyến khích đưa vào sản xuất các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từng bước hình thành các cánh đồng lớn, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích.
Chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng chế biến sâu, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao giá trị hàng hóa; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với các tỉnh lân cận và các tỉnh vùng biên giới Campuchia.
Thực tế thời gian qua cho thấy, tỉnh Gia Lai đã thể hiện rõ quyết tâm cải cách nền kinh tế theo hướng hiện đại thông qua việc đẩy mạnh triển khai các mô hình kinh tế mới áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả cao tương xứng với tiềm năng sẵn có của vùng đất Ba Zan màu mỡ.
Cùng với nền tảng là các vùng chuyên canh các loại cây trồng thế mạnh thuộc nhóm nông sản xuất khẩu chính của cả nước như cao su, cà phê, hồ tiêu, đặc biệt phải kể đến các mô hình cánh đồng mía lớn, cánh đồng lúa nước “một giống”, các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu xuất hiện ngày một nhiều đang mang lại hiệu quả rõ rệt.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình cánh đồng lớn với hơn 1.000 ha mía, 600 ha lúa nước “một giống” cùng hàng chục mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng đất ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Ông Bùi Phích, Chủ tịch xã Đăk Hlơ, huyện KBang, tỉnh Gia Lai chia sẻ, địa phương có tổng diện tích đất sản xuất khoảng 1.700 ha chủ yếu tập trung phát triển cây mía, trong đó chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật đưa cơ giới hóa, giống mới năng suất cao vào sản xuất nên năng suất mía tăng vượt bậc, từ 60 tấn/ha tăng lên gần 100 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt tới 130 tấn/ha tăng gần gấp đôi so với sản xuất đại trà.
Ngoài ra, mỗi ha mía mô hình cánh đồng lớn sau sản xuất còn tiết kiệm được chi phí hơn 30% trồng đơn thuần. Từ thành quả đó, thu nhập bình quân đầu người của địa phương hiện đạt gần 29 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với mức 15 triệu đồng/người/năm của năm 2011.
Cùng với mô hình cánh đồng mía lớn, mô hình cánh đồng lúa nước “một giống” ở huyện Phú Thiện cũng đang phát huy hiệu quả với mức lợi nhuận tăng hơn 2,5 triệu đồng/ha so với phương pháp trồng đại trà. Không những vậy, chất lượng hạt lúa rất đồng đều nên dễ được các doanh nghiệp thu mua nông sản lựa chọn.
Những dấu hiệu tích cực mà mô hình cánh đồng lúa ”một giống” mang lại đã giúp huyện Phú Thiện quyết định gieo trồng đại trà trên diện tích hơn 600ha.
Ông Bùi Trọng Thành - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cho biết, thông qua việc triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống, huyện đã hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp liên kết để cung ứng các dịch vụ đầu vào và đồng thời đại diện cho các nông hộ liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng triển khai mô hình cánh đồng lúa một giống, quy hoạch lại những vùng chuyên canh cây lúa, tăng cường công tác đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu gắn với thị trường tiêu thụ ổn định và lâu dài cho mặt hàng nông sản lúa gạo, góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu lúa gạo Phú Thiện trong giai đoạn 2015 - 2020.
Hay như mô hình chuyển đổi cây trồng những vùng đất thường xuyên bị bồi lấp, thiếu nước tưới sang trồng thanh long ruột đỏ, chuối tiêu hồng trên địa bàn huyện Đức Cơ cũng mang lại hiệu quả kinh tế rất tốt từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ha cho mỗi mô hình.
Ông Trịnh Văn Thành, Phó Chủ tịch huyện Đức Cơ cho biết: Trước thực trạng hạn hán ngày càng khắc nghiệt, địa phương chủ trương tập trung đẩy mạnh chuyển đổi các diện tích lúa bị bồi lấp, thiếu nước tưới sang trồng cây chuối, thăng long và một số cây rau màu ngắn ngày chịu hạn như đậu đỗ, khoai lang, ngô…mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Hiện chủ trương này đang được người dân rất đồng tình ủng hộ và đây sẽ là cơ sở để địa phương đẩy mạnh chuyển đổi trong thời gian tới thông qua các mô hình đã phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại tỉnh Gia Lai mới đây, tỉnh tiếp tục đón nhận thêm 22 dự án đầu tư, cam kết đầu tư vào tỉnh với tổng vốn gần 21.000 tỷ đồng.
Trong các dự án này có 4 dự án phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chất lượng, bền vững phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương với vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng.
Đây chính là nền tảng, cơ hội quan trọng để Gia Lai phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 7,5%, thu ngân sách đạt trên 3.600 tỷ đồng và nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên trên 41 triệu đồng/người/năm.