Nhiều nông dân ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang áp dụng phương pháp canh tác lúa 1 phải (phải sử dụng giống xác nhận), 5 giảm (giảm lượng giống, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và thất thoát sau thu hoạch) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước làm cho Việt Nam có lợi thế về lúa gạo. Với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, thậm chí bảo đảm an ninh lương thực thế giới đã thúc đẩy việc sản xuất lúa gạo vượt sức chịu đựng của đồng ruộng.
Hiện nay, Chính phủ hướng đến một nền sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Do đó, việc trở lại sản xuất hoà hợp với tự nhiên trở thành xu thế chung và mang lại hiệu quả cao cho kinh tế lẫn nông dân.
Cụ thể, hiện nhiều nơi đã áp dụng phương pháp hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đáp ứng cho thị trường xuất khẩu.
Ví dụ như cánh đồng không thuốc bảo vệ thực vật 500 ha tại xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang, giảm chi phí sản xuất 3,6 triệu đồng/ha, năng suất tăng từ 2-3 tấn/ha khi áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ và 1 phải (sử dụng giống xác nhận), 5 giảm (lượng giống, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và thất thoát sau thu hoạch).
Các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre đã sản xuất luân canh lúa - tôm theo phương pháp hữu cơ.
Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất rau, hoa màu bằng ứng dụng hữu cơ cho sản phẩm an toàn, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp Vineco (thuộc tập đoàn Vingroup), hợp tác với 1.000 hộ nông dân sản xuất, thu mua, tiêu thụ rau, hoa màu cho nông dân.
Theo anh Trần Triệu Vân, kỹ sư phụ trách khối kinh tế, VINECO, công ty đã liên kết với các nông dân và Hợp tác xã trên diện tích 2.000 ha, sản xuất sạch theo phương pháp hữu cơ.
Công ty hỗ trợ chứng nhận VietGap cho nông dân tại các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Lâm Đồng, Tp. Hồ Chí Minh…
Từ đó, Vineco cung cấp cho thị trường hơn 150 loại rau, củ quả sạch, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Để có thể đạt được hiệu quả cao từ việc áp dụng cách sản xuất hữu cơ, người nông dân cần phải được huấn luyện để có thể quản lý lượng nước tưới, dinh dưỡng cần thiết cho cây và cách sử dụng thiên địch trong phòng trừ sâu bệnh hại cây, anh Vân chia sẻ.
Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc sinh học, thuốc bảo vệt thực vật ít độc hại và được quản lý theo hướng bền vững.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ siết chặt việc đăng ký và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, loại bỏ các loại thuốc độc hại ra khỏi danh mục. Khuyến cáo các cá nhân, doanh nghiệp đăng ký thuốc có nguồn gốc sinh học, có thể bảo quản sau thu hoạch. Những loại thuốc này sẽ được ưu tiên đưa vào danh mục, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết.
Trước tính hiệu quả khi áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ, các chuyên gia bảo vệ thực vật đề xuất, việc các doanh nghiệp và nông dân áp dụng quản lý sản xuất hữu cơ rất hiệu quả thời gian qua cần được mở rộng để khẳng định chất lượng nông sản Việt Nam với người tiêu dùng thế giới.
Tuy nhiên, nông dân và doanh nghiệp không được sản xuất nông nghiệp hữu cơ đại trà bằng mọi giá. Vì vậy, Chính phủ và chính quyền địa phương phải quy hoạch quy mô vùng sản xuất hữu cơ trên cơ sở đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, bảo đảm lợi ích kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách xây dựng hệ thống quy định, quy chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng hệ thống giám sát, cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ.
Từ đó, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững giữa các thành phần tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ dựa trên cơ sở chuỗi giá trị, Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Văn Biên, Hội Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Để có các sản phẩm nông nghiệp sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, việc thay đổi thói quen canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là rất quan trọng. Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật phát triển dần thay thế các loại phân bón hóa học và thuốc hóa học bảo vệ thực vật như hiện nay.
Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ để nâng cao năng suất, phòng trừ sâu bệnh vẫn còn tràn lan.
Cách làm này làm tăng sự suy thoái của đất, tăng ô nhiễm môi trường, dịch hại bùng phát không kiểm soát.
Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trung bình mỗi năm ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón vô cơ. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước sản xuất 8 triệu tấn. Số lượng còn lại nhập khẩu từ nước ngoài.
Việc sử dụng phân bón không đúng cách của hầu hết nông dân gây lãng phí 2 tỷ USD mỗi năm. Năng suất tăng từ 2 - 3 lần khiến mức cung sản phẩm vượt cầu và tăng dịch bệnh trên cây trồng, đồng ruộng do đất bị ngộ độc, cây không đủ dinh dưỡng, mất sức đề kháng trước dịch bệnh hại cây.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thời điểm giá tiêu trên thị trường thế giới tăng cao đã khiến nông dân khắp nơi đổ xô sang trồng tiêu mà thiếu kiến thức chăm sóc hiệu quả, lạm dụng phân bón để tăng năng suất mà quên tiêu chí chất lượng.
Không những vậy, tuổi thọ của cây tiêu cũng không còn như trước. Bên cạnh cây tiêu, lúa gạo cũng rơi vào tình trạng tương tự. Từ đó có thể thấy hệ lụy lớn từ việc canh tác thiếu khoa học, thiếu kiến thức, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ như thời gian qua./.
Hồng Nhung/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn