Kỳ công vận động bà con bỏ phương thức canh tác cũ
Xí nghiệp chè Tây Sơn đứng chân trên mảnh đất biên giới phía tây huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã từng tồn tại hơn nửa thế kỷ, nhưng những năm trước đây chè Tây Sơn chưa tạo được uy tín ở thị trường. “Ngay thị trường nội địa, chè Tây Sơn chưa tạo lập được vị thế. Giống chè cũ, năng suất thấp, chất lượng chưa cao, mẫu mã thiếu hấp dẫn, nên sản phẩm chưa phải lựa chọn của khách hàng. Xí nghiệp lúng túng, người lao động không mặn mà với Xí nghiệp, có lúc đối mặt với nguy cơ “tan đàn sẻ nghé”, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Xí nghiệp chia sẻ. Bài toán tìm đầu ra, nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu chè Tây Sơn được đặt ra một cách bức thiết.
Sau khi khảo sát tiềm năng lợi thế của khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước đảm bảo phát triển nguồn chè nguyên liệu sạch, bền vững, an toàn, lãnh đạo Xí nghiệp đã quyết tâm đổi mới. Lộ trình bắt đầu từ đội ngũ cán bộ cốt cán. Không chỉ nói mà làm với tinh thần dấn thân quyết liệt.
Cùng với cấu trúc lại Xí nghiệp, lãnh đạo vào Hà Tĩnh, ra Phú Thọ, Thái Nguyên, đến Viện Chè, tìm gặp đối tác. Hành trình đến với Hiệp hội chè Việt Nam cũng là hành trình tìm kiếm được giống mới. Sau khi mang giống chè LDP2, PH1 trồng thử nghiệm tại Sơn Kim 2 phù hợp với khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, Xí nghiệp đã mạnh dạn thay đổi giống chè.
Sơn Kim 2 có diện tích gần 21.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 96%; diện tích trồng chè của Xí nghiệp chỉ có trên 300 ha. Năm 2004, xã đứng trước nhiều thách thức, nhất là chuyển đổi cơ cấu, vật nuôi cây trồng và làm sao sử dụng tài nguyên đất hiệu quả. Nắm bắt được cơ hội đó, Xí nghiệp đã bàn bạc giao 300 ha đất trồng chè nguyên liệu cho các hộ nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP. Sơn Kim 2 có 8 thôn, 1.236 hộ với 4.372 nhân khẩu trong đó có 2.092 người trong độ tuổi lao động. Nguồn lao động dư thừa, nhưng để trồng 300 ha chè theo quy trình nguyên liệu sạch không hề dễ dàng. “Thế là chúng tôi đến từng ngõ, gõ từng nhà. Ngoài làm việc với cấp ủy chính quyền địa phương thống nhất kế hoạch, lại tư vấn, tuyên truyền cho từng hộ dân. Phải mất gần một năm, 300 ha ấy mới có chủ”, kỹ sư Phan Quốc Việt nhớ lại.
Việc trồng chè theo quy trình VietGAP không dễ dàng với nông dân. Xí nghiệp thành lập đội kỹ thuật 10 cán bộ tư vấn cho 8 thôn, bám dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, theo phương châm cầm tay chỉ việc. “Đất đai, phân bón, kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật, quy trình sản xuất, hái, thu hoạch, thu mua sản phẩm, tất cả do Xí nghiệp chịu trách nhiệm, các hộ sản xuất chỉ bỏ công và đặc biệt là làm đúng quy trình VietGAP”, anh Việt tâm sự.
Nhưng thay đổi tư duy, cách làm cách nghĩ cũ kỹ đã thành nếp là cả một quá trình… Bắt đầu từ học hỏi kiến thức: Học tập trung qua lớp, học qua băng đĩa, học ngay trên đồng ruộng. Cách học càng vắn tắt, đơn giản thì người lao động dễ nhớ, dễ làm theo. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Xí nghiệp nhớ lại: “Khó nhất của học quy trình sản xuất theo VietGAP là học để làm, đòi hỏi tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Ví như phân lô, luồng, cắm biển chỉ dẫn, ghi chép ngày phun thuốc, ngày chăm sóc, phát hiện sâu bệnh cũng như ngày thu hoạch an toàn là những việc không tên nhưng để thành thói quen, kỹ năng của người lao động là cả một quá trình chúng tôi phải cho cán bộ liên tục giám sát, kiểm tra, hướng dẫn. Cũng có khi phải làm nghiêm bắt buộc dừng lại nếu phát hiện sai quy trình”.
Cây "xóa đói giảm nghèo", cây "Nông thôn mới" của Sơn Kim 2
Sau thời gian 5 năm, công sức của Xí nghiệp và người lao động bỏ ra đã có thành quả.
Gia đình ông Phan Đình Nhàn trồng 1,2 ha, năm đầu cho thu hoạch 60 triệu, những năm sau cho thu hoạch trên dưới 200 triệu/năm. Ông Lê Văn Trình giáo dân từ Tân Kỳ Nghệ An, tìm đến miền núi Sơn Kim 2 lập nghiệp nhớ lại: “Vợ chồng tôi có 12 con. Đông con, thất nghiệp thiếu đói triền miên. Năm 2004 phải bỏ quê sang đây mưu sinh. Tay trắng, nhờ 3 ha đất xí nghiệp giao cho trồng chè, năm 2007, tôi đã có trong tay 60 triệu đồng. Những năm tiếp theo, thu hoạch được 500 triệu/năm. Nhờ trồng chè, mà tôi giải quyết được việc làm cho con. Mười hai đứa con tôi bây giờ cùng bố mẹ sản xuất chè nguyên liệu cho xí nghiệp. Nhờ chè, tôi không chỉ thoát nghèo mà có cuộc sống sung túc ngày xưa có mơ cũng không thấy”.
Chị Đậu Thị Trầm góa chồng, không thể chống chọi với nghề sông nước, ôm con, lên Sơn Kim cậy nhờ cậu ruột. Với 0,3 ha chè, chỉ 5 năm sau mẹ con đã có của ăn của để.
Ông Nguyễn Văn Cầu, người giàu lên nhờ chè, nhớ lại: “Tôi không ngờ, gia đình tôi và bà con làm nghề nốc vạn lại có ngày hôm nay. Nhà cửa khang trang, xe cộ, phương tiện sinh hoạt trong nhà chẳng thiếu một thứ gì”.
835 hộ với trên 1.000 lao động liên kết trồng chè cho xí nghiệp, trong đó có trên 100 lao động công giáo, 80 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo. Ông Trình vui vẻ nói: “Cây chè đúng là cây xóa đói giảm nghèo. Với gia đình tôi Chúa đã giáng sinh trên những đồi chè”.
Tôi đã cùng đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Quốc Lập - Bí thư Huyện ủy huyện Hương Sơn có một ngày đi khắp các lô chè. Từ trên cao nhìn xuống, đồi chè uốn lượn như sóng nhấp nhô. Lại gần, lô nào cũng cắm biển ghi rõ các thông số. Người sản xuất chè bây giờ biết bảo vệ môi trường, môi sinh. Bí thư Lập trao đổi: “Năm 2016, xã biên giới Sơn Kim 2 về đích nông thôn mới, có đóng góp quan trọng của xí nghiệp chè. Với Sơn Kim 2, chè là cây Nông thôn mới”.
Hơn một ngàn lao động nông dân được học nghề kỹ thuật trồng chè theo quy trình VietGAP. Người lao động có việc làm ổn định thường xuyên, thu nhập từ 7,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng, nâng thu nhập bình quân đầu người tại xã Sơn Kim 2 lên 32 triệu đồng/người/năm không phải là kết quả ấn tượng sao?
Nhờ chè mà đời sống vật chất đảm bảo, đời sống tinh thần khởi sắc. Những tệ nạn xã hội giảm hẳn. Trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, an ninh vùng biên giới được đảm bảo. Khu dân cư thôn Chế Biến, Làng Chè trở thành khu dân cư kiểu mẫu.
“Nhờ Hợp đồng chặt chẽ với người lao động, giải quyết được những vấn đề căn bản của quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà chúng tôi không bị động về nguồn nguyên liệu, không bị động với bạn hàng nữa” - ông Sơn - Giám đốc Xí nghiệp chè cho biết. Và cũng nhờ gắn bó với chè được xí nghiệp chè tạo mọi điều kiện sản xuất mà người dân nơi đây yên tâm “cắm chân” trên đất quê hương, làm giàu trên quê hương mình.
Tác giả bài viết: LÊ VĂN VỴ
Nguồn tin: laodong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn