Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết, qua 6 năm triển khai Chương trình “Chung sức xây dựng nông thôn mới” (2011-2016), kết quả đạt được đáng khích lệ.
Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 38 xã, chiếm tỷ lệ 31,1% so với tổng số xã trên địa bàn. Ngoài ra, 28 xã đạt 15-18 tiêu chí; 47 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và 9 xã đạt 5 - 9 tiêu chí.
Tổng mức thu nhập của người dân khu vực nông thôn bình quân là 26,78 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn 11,85% (đánh giá theo tỷ lệ chuẩn nghèo đa chiều).
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới đạt trên 4.500 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 369 tỷ đồng; ngân sách địa phương là trên 2.210 tỷ đồng.
Phần còn lại là do nguồn vốn nhân dân đóng góp và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án, hỗ trợ từ các doanh nghiệp. Nhiều người dân tại các địa phương hiến tặng hàng chục nghìn m2 đất cùng nhiều công trình hạ tầng, cây cối lâu năm có giá trị để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Nguyễn Văn Dược, trưởng thôn 2, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân cho biết, kể từ khi triển khai chương trình chung sức xây dựng nông thôn mới người dân địa phương phấn khởi.
Thời gian qua, đời sống kinh tế tuy còn khó khăn nhưng thấy lợi ích lâu dài nên người dân tại địa phương đóng góp trên 3 tỷ đồng, hiến 6,6 nghìn m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn trị giá 2,5 tỷ đồng.
Số tiền còn lại xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đường quê. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc đời sống vật chất, tinh thần nâng cao.
Chủ tịch UBND Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn cho biết, đến nay xã huy động nguồn lực trên 100 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhân dân đóng góp 15 tỷ đồng và đến nay bê tông hóa trên 31 km đường giao thông nông thôn; cứng hóa gần 19 km đường thôn, xóm; xây dựng 27 phòng học, 08 nhà văn hóa thôn và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2016 đạt 29 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hơn 2 lần so với trước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 8,37%. Xã đã đạt 18 tiêu chí, duy nhất tiêu chí về an ninh trật tự và phấn đấu đến cuối năm 2017 sẽ cán đích nông thôn mới.
Phát huy kết quả đạt được từ nay đến 2020, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm tỷ lệ 62,3 % tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Đồng thời có 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới là huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh –Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh ông Trần Châu cho biết, giải pháp chính là tiếp tục tăng cường vận động xã hội một cách sâu rộng về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, kiện toàn và nâng cao bộ máy tổ chức Văn phòng điều phối cấp tỉnh và chính quyền các cấp, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân đến năm 2020 đạt từ 40 - 45 triệu đồng/người/ năm.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách từng bước hoàn thiện; ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, đồng thời nâng chất lượng đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương./.
Tác giả bài viết: Viết Ý/TTXVN
Nguồn tin: bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn