Tuân thủ nghiêm ngặt “5 không”
Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi đến thăm trang trại nông nghiệp sinh thái trải dài trên 60ha của bà Trương Kim Hoa - Giám đốc Trang trại Hoa Viên, thôn Dục, xã Yên Bình (Thạch Thất, Hà Nội). Bà Hoa cho biết, sống ở nông thôn nhiều, thấy bà con sử dụng phân hóa học, thuốc diệt cỏ tràn lan mà không ý thức được rằng cỏ chết thì lúa, hoa màu cũng dư thừa hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng (phải) và đoàn kiểm tra thăm mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Trang trại Hoa Viên cuối năm 2017. Ảnh: Hoàng Hà
Năm 2003, sau khi tìm hiểu mô hình sản xuất hữu cơ, bà quyết định bắt tay vào xây dựng trang trại 1ha nuôi lợn rừng, nay nâng lên 5ha và 1.000 con lợn sinh sản. Thức ăn cho lợn là rau, củ, quả trồng tại trang trại và trùn quế. Để phòng bệnh, bà cho lợn ăn thảo dược và các chế phẩm lên men từ gừng, tỏi. Phân lợn dùng để nuôi trùn quế.
TP.Hà Nội đã quy hoạch diện tích đất và có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến, đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển sản xuất hữu cơ... Theo đó, đối với trồng trọt cần ưu tiên rau ăn lá, gia vị, thảo dược, chè xanh hữu cơ, cây ăn quả. Trong chăn nuôi, ưu tiên nuôi bò sữa, bò hướng thịt (BBB), lợn và gà đồi, nuôi cá lồng dọc sông Đà, sông Hồng... |
Nằm liền kề với khu nuôi lợn rừng là khu nuôi trùn quế, sản lượng đạt 10.000 tấn phân/năm, tương đương 10.000 tấn thịt trùn quế dùng làm thức ăn cho lợn.
Phân trùn bón cho 10ha rau hữu cơ, cây ăn quả trong nông trại; bình quân một năm bà Hoa thu hoạch 200 - 300 tấn rau hữu cơ, với giá bán từ 40.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại.
Cũng như nuôi lợn rừng, bà Hoa cho biết quy trình trồng rau phải tuân thủ “5 không”: không phun thuốc diệt cỏ (làm cỏ thủ công), không phân bón hóa học, không thuốc BVTV, không kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi gen. Cây cỏ, phụ phẩm trong nông trại được ủ lên men làm thức ăn cho lợn rừng và trùn quế.
Mặt khác, khi sản xuất, nhịp sống trong nông trại hài hòa với thiên nhiên đã cân bằng được hệ sinh thái, các loài thiên địch có ích phát triển, giúp bắt sâu, bướm, kiến vàng; nếu bướm nhiều, bẫy bằng đèn và bả protein.
Tuân thủ quy trình trồng rau hữu cơ, công nhân phải tự tay bắt từng con sâu. Ảnh: I.T
Trang trại Hoa Viên chủ yếu trồng các giống rau bản địa như: Rau bò khai, rau đắng, rau sắng (rau ngót rừng), rau dớn, rau báng, tầm bóp… Đây cũng chính là những loại dược liệu có lợi cho sức khỏe con người. Vì vậy, đã có những loại rau giá lên tới 120.000 đồng/kg song vẫn bán rất chạy. Hiện, sản phẩm của Hoa Viên mang thương hiệu Đại Ngàn đã được bán tại 25 cửa hàng tiện ích ở Hà Nội, doanh thu toàn trang trại đạt 15 - 20 tỷ đồng/năm.
Tương tự, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), bà Hoàng Thị Hậu cho biết, HTX hiện có 161 thành viên, trong đó có 78 thành viên sản xuất rau hữu cơ với diện tích 15,7ha, số còn lại sản xuất bình thường. Nhưng nếu tính toàn bộ số nông dân sản xuất rau hữu cơ ở Thanh Xuân thì là 235 hộ, họ là những người làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn, như sân bay Nội Bài.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng (mặc áo màu hồng) thăm mô hình trồng rau hữu cơ tại Trang trại Hoa Viên. Ảnh: I.T
Năm 2008, đây là vùng rau an toàn của Hà Nội, đến năm 2013 thì chuyển sang sản xuất rau hữu cơ, được Chi cục BVTV Hà Nội khảo sát chặt chẽ. Hiện, HTX có 60 loại rau, trong đó: Họ cải 8 loại, rau gia vị 13 loại, còn lại là khoai tây, khoai lang, đậu đỗ…
Thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội (chiếm 70%), Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh; giá bán cao gấp 3 - 4 lần rau thường, song mới chỉ đáp ứng được 1/4 đơn hàng của khách.
Bà Hậu cho biết thêm, bên cạnh việc tuân thủ “5 không”, sản xuất rau hữu cơ bắt buộc phải có vùng đệm để cách ly với bên ngoài. HTX được ngăn cách với môi trường xung quanh bằng hàng rào cỏ voi rộng 1m, bình quân chiều cao từ 1,3 - 1,5m, có nơi cao tới 2m.
Sự hậu thuẫn của chính quyền
Trao đổi với PV, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: “Hà Nội hiện là địa phương sản xuất rau hữu cơ lớn nhất cả nước, với tổng diện tích trên 50ha. Sản xuất rau hữu cơ rất khó, đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt, nhất là khi người dân đang sản xuất quy mô nhỏ.
Tuy nhiên, sau những nỗ lực không ngừng, chúng tôi đã làm được điều này nhờ tổ chức được nhóm nông dân tự quản, cộng với kiểm tra chéo, có sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều bên, trong đó có cả người tiêu dùng, người kinh doanh, cơ quan quản lý nhà nước”.
Công nhân tại trang trại Hoa Viên cắt cỏ cho đàn lợn rừng ăn. Ảnh: I.T
Ông Mỹ cho biết thêm, để có được diện tích sản xuất hữu cơ đạt chuẩn, Sở đã kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức tập huấn kỹ thuật, tiêm phòng vaccine, xúc tiến thương mại kịp thời. Theo đó, ở Hoa Viên và các điểm sản xuất rau hữu cơ khác của Hà Nội, hằng tháng thường có từ 6 -10 cán bộ, kỹ thuật viên là người của Sở, huyện và xã cùng phối hợp, bám sát đồng ruộng với bà con.
Theo An Như/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn