Hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã trở thành xu hướng phát triển ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây khi áp lực về số lượng lương thực giảm đi, trong khi áp lực về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường lại tăng lên.
Nói về tinh thần kiến tạo của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh việc phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm lương thực, thực phẩm sạch, phục vụ 100 triệu dân và hướng đến xuất khẩu.
Để làm được điều đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, ứng dụng điện toán đám mây để xây dựng nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam, mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất... “Phải chuyển giao khoa học và công nghệ mạnh mẽ vào nông nghiệp, phải có vốn cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ tư nhân” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã trở thành xu hướng phát triển ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây - nhất là các nước phát triển - khi áp lực về số lượng lương thực giảm đi, trong khi áp lực về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường lại tăng lên. Nhiều nước ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương đã khuyến khích nông dân áp dụng nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên ở nhiều quốc gia - trong đó có Việt Nam, đây là câu chuyện còn rất mới mẻ, thậm chí khái niệm về loại hình canh tác này được hiểu rất khác nhau.
Đối mặt với khó khăn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Phải tìm mọi cách để có sản phẩm tốt nhất phục vụ cuộc sống, không chỉ để đảm bảo cung cấp sản phẩm phục vụ ăn uống tốt nhất cho con người mà còn bảo vệ sự bền vững của hệ sinh thái và tài nguyên môi trường”. Đây chính là bài toán của phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Ông Cường cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ bàn với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hình thành đề án về phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm giải quyết những vấn đề tổng thể ban đầu; đồng thời cùng với Bộ KH&CN tập trung hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm hữu cơ. Bộ NN&PTNT sẽ rà soát chính sách nhằm khuyến khích, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, các thành phần kinh tế, hiệp hội... để cùng phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ, diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của Việt Nam năm 2015 đạt hơn 76.000ha - tăng 3,6 lần so với năm 2010, tập trung tại các địa phương như: Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam... Hiện nay, sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Nhật, Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc...