Thuận lợi lớn nhất của xã khi phát triển các phong trào quần chúng đó là sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đã quan tâm tạo điều kiện về quỹ đất giúp nhân dân các thôn có sân chơi, bãi tập. Đến nay, xã đã có 1 sân thể thao cấp xã, 2/3 thôn có sân tập thể thao (thôn còn lại sử dụng sân thể thao xã), các trường học đều có sân tập luyện cầu lông, bóng chuyền… Nhờ vậy, phong trào quần chúng trong nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng ở địa phương. Hệ thống hạ tầng cơ sở, giao thông nông thôn trong xã được củng cố, phong trào thể dục trong quần chúng cũng phát triển với khoảng 20% dân số tham gia luyện tập thường xuyên các môn: cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, đi bộ…
Trong phong trào văn hóa văn nghệ, 3/3 thôn của xã có đội văn nghệ. Ngoài ra, xã còn có các câu lạc bộ (CLB): CLB thơ người cao tuổi, sinh hoạt vào chủ nhật cuối cùng của tháng; CLB chèo của xã, thôn; nhóm ca khúc cách mạng… thu hút từ 20 – 30 thành viên tham gia. Các CLB, đội văn nghệ tự biên tự diễn các tiết mục, lấy đề tài từ lao động sản xuất, đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhằm khích lệ nhân dân trong xã, tạo sân chơi giao lưu bổ ích giữa các tầng lớp nhân dân, củng cố tình đoàn kết, góp phần hạn chế tai tệ nạn xã hội, hàng năm, xã tổ chức nhiều giải thi đấu cấp thôn, xã lồng ghép với các hoạt động văn nghệ hưởng ứng các ngày lễ: Quốc khánh 2/9, ngày Đại đoàn kết toàn dân 18/11, Quốc tế phụ nữ 8/3…
Mùa vàng. Ảnh: Thành Tâm Ông Nguyễn Văn Cửu, Trưởng ban Văn hóa xã An Châu vui vẻ cho biết: Phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT của An Châu hoạt động sôi nổi từ nhiều năm nay, tuy kinh phí duy trì, phát triển các phong trào còn nhiều khó khăn do chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, song người dân nhiệt tình tham gia, chất lượng các phong trào ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, hòa chung không khí cả nước chung tay xây dựng NTM, những buổi biểu diễn văn nghệ với các tiểu phẩm, tiết mục ca ngợi những gương tiêu biểu đóng góp xây dựng NTM, hiến đất làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội đã khích lệ được người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Chỉ tính riêng việc thực hiện làm đường giao thông nông thôn theo Quyết định 19 của UBND tỉnh, An Châu có hàng chục hộ tự nguyện hiến đất thổ cư với diện tích trên 500m
2, tháo dỡ trên 600m tường bao, cổng dậu, công trình phụ. Tiêu biểu như hộ giáo dân Nguyễn Văn Nhất tháo dỡ hiên nhà cấp 4, hiến gần 30m
2 đất, gia đình anh Nguyễn Đình Nghi, tháo dỡ 30m tường, hiến trên 20m
2 đất… Nhân dân cũng đã đóng góp trên 2 tỷ đồng mua nguyên vật liệu, nơi góp cao nhất lên tới 3 triệu đồng/khẩu, tham gia trên 3.000 công lao động giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công, huy động nguồn xã hội hóa trên 500 triệu đồng để làm đường giao thông… Ngày các thôn tổ chức thi công, toàn xã rợp cờ hoa, loa tuyên truyền các bài thơ, làn điệu chèo mang đậm hơi thở cuộc sống do chính các CLB sáng tác, tạo khí thế như một ngày hội.
Nghề móc sợi xuất khẩu ở xã Đông Kinh, Đông Hưng giúp cho nhiều phụ nữ có việc làm và thu nhập ổn định. Ảnh: Ngọc Linh Không chỉ làm đường, trong công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, thay đổi tập quán, phương thức canh tác trong sản xuất nông nghiệp khi bắt tay xây dựng NTM vốn gặp nhiều khó khăn ở các địa phương nhưng với An Châu được người dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ duy trì tốt các phong trào, đến nay, các tiêu chí: văn hóa, hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự đã đạt và luôn được củng cố nâng cao. 1.270/1.716 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT ở An Châu đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong đời sống tinh thần của nhân dân ở các khu dân cư. Đây chính là động lực để cán bộ, nhân dân trong xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM của địa phương, hoàn thành 19 tiêu chí NTM như lộ trình đã đề ra.