Theo phương án vay xi măng để hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn năm 2012 của tỉnh, 40.000 tấn xi măng được phân bổ cho 9 huyện, thành, thị. Các địa phương đã đăng ký làm 396 công trình, tương ứng với gần 210km đường giao thông nông thôn. |
Cùng chung với niềm vui của các gia đình ở xóm Bá Sơn còn có người dân ở các xóm Bờ Đậu, Đường Goòng. Được biết, chỉ từ cuối tháng 10 đến nay, gần 2km đường giao thông ở các xóm này đã được cứng hóa. Dự kiến, từ nay đến ngày 31/12, xã còn bê tông thêm 3,3km đường giao thông nông thôn nữa, trong đó, một phần kéo dài tuyến đường ở các xóm trên, phần còn lại làm mới ở các xóm Làng Phan, Đồng Sang. Ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Đến năm 2010, xã chỉ bê tông được 1,2km đường giao thông ở xóm Cây Cài và đường vào các trường học. Sau đó, dù nhu cầu của bà con rất lớn nhưng tỉnh, huyện không có xi măng đối ứng nên các tuyến đường chưa được bê tông. Rất may, năm 2012, tỉnh đã có phương án cho vay xi măng để hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Khi có xi măng, bà con đã huy động đóng góp thêm tiền, ngày công lao động đối ứng làm đường rất tích cực. Các tuyến đường đều đảm bảo mặt đường bê tông rộng 3m, dày 18cm…
Cổ Lũng là một trong rất nhiều địa phương của tỉnh đã thực hiện tốt phương án cho vay xi măng để hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh. Theo đó, số xi măng đã cấp đến các xóm đăng ký làm đường của xã trong đợt 1 (tháng 10) là gần 320 tấn, hiện đang chuẩn bị cấp thêm 241 tấn nữa... Khi chúng tôi hỏi vì sao Cổ Lũng lại triển khai Chương trình này có hiệu quả như vậy, ông Nguyễn Văn Ánh chia sẻ: Có được kết quả này, bên cạnh sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, địa phương đã phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân, để người dân biết, bàn và tự kiểm tra. Một thuận lợi nữa là, các tuyến đường của xã đã có sẵn thiết kế nên khi có chương trình cho vay xi măng, chỉ cần thông qua người dân là có thể tiến hành làm được ngay.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới thành công trong việc thực hiện chương trình cho vay xi măng hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, đến nay, số xi măng đã cấp về cho các địa phương là gần 30 nghìn tấn và hiện các địa phương vẫn đang tiếp tục đăng ký thêm. 100% số xi măng được cấp, các địa phương tập trung cho làm đường giao thông nông thôn. Trong đó, các địa phương thực hiện đạt kết quả tốt phải kể đến là Đại Từ, Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ... Riêng Đồng Hỷ, ngoài số xi măng được cấp theo chương trình của tỉnh (4.000 tấn) để làm trên 24km đường giao thông nông thôn thì địa phương còn trích từ ngân sách huyện ra mua xi măng để hỗ trợ cho các xã làm thêm 20km đường giao thông nữa. Ông Dương Văn Lành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Toàn bộ số xi măng được phân bổ theo chương trình của tỉnh đã được cấp cho 10 xã với tổng số 33 công trình. Hiện, 18 công trình đã hoàn thành, tương ứng với trên 1.820 tấn xi măng, còn 11 công trình vẫn đang tiếp tục triển khai và phấn đấu sẽ hoàn thành trước ngày 31/12...
Ông Hoàng Cường Quốc, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới của tỉnh nói: Điều đáng mừng là nhu cầu vay xi măng làm đường giao thông nông thôn của các địa phương rất lớn. Ngoài số xi măng đã được phân bổ, các huyện Đại Từ, Phú Bình, Phổ Yên, Phú Lương, T.X Sông Công còn có công văn đề nghị UBND tỉnh cấp bổ sung thêm xi măng để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mà các huyện, thị trên đã phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật, hoàn thành giải phóng mặt bằng và huy động đủ nguồn vốn đối ứng của nhân dân. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, ngày 7-12, UBND tỉnh đã có Quyết định đồng ý bổ sung thêm 10.000 tấn xi măng nữa phân bổ cho các địa phương. Nguồn kinh phí để thanh toán số xi măng trên sẽ được trích từ vốn đầu tư xây dựng Chương trình xây dựng nông thôn mới và vốn vay tín dụng đầu tư phát triển năm 2013.
Từ thực tế trên có thể thấy chủ trương của tỉnh đã thực sự đi đúng hướng, hợp lòng dân. Với cách làm này, một trong những tiêu chí về xây dựng nông thôn mới được xem là khó thực hiện - tiêu chí giao thông - đang được các xã trong tỉnh hoàn thiện một cách ngoạn mục. Như vậy, thực hiện phương án này, tỉnh ta đã cùng một lúc thực hiện được hai việc: Huy động được đông đảo nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và dần hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn.