12:38 EDT Thứ sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Chưa làm rõ quyền của cộng đồng dân cư

Chủ nhật - 17/03/2013 20:24
(Dân Việt) - Làm rõ nội hàm của khái niệm “cộng đồng dân cư” là rất quan trọng. Nếu coi “quyền sử dụng đất đai là quyền về tài sản”, thì phải xác định xem cộng đồng dân cư có phải là một chủ thể có quyền về tài sản hay không.

Làm rõ nội hàm của khái niệm “cộng đồng dân cư” là việc rất quan trọng. Nếu coi “quyền sử dụng đất đai là quyền về tài sản”, thì phải xác định xem cộng đồng dân cư có phải là một chủ thể có quyền về tài sản hay không, từ đó mới thực thi được quy định giao đất cho cộng đồng dân cư theo Luật Đất đai 2003 sửa đổi.

Đó là phân tích của tiến sĩ Mai Thanh Sơn - Trưởng phòng Dân tộc học và Nhân học (Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ).

 

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn nhận định: Luật Đất đai, cũng như các bộ luật khác, phải dựa trên nền tảng của Hiến pháp. Rất may, cùng với việc sửa đổi Luật Đất đai, hiện nay Nhà nước cũng đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1992. Cùng với việc nới rộng thời gian góp ý sửa đổi Hiến pháp đến tháng 9 năm nay, tôi hy vọng thời hạn góp ý sửa đổi Luật Đất đai cũng sẽ được kéo dài. Cho dù hình hài của nó như thế nào đi nữa, thì Luật Đất đai (sửa đổi) cũng chỉ nên được công bố sau khi có Hiến pháp sửa đổi.

Nếu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn được Quốc hội thông qua vào tháng 5.2013, có thể có những bất cập gì?

- Sẽ có thể xảy ra trường hợp có những nội dung Luật Đất đai (sửa đổi) lại trái với Hiến pháp, hoặc không phù hợp với Hiến pháp; và như vậy sẽ phải sớm tiến hành sửa luật một lần nữa, sẽ mất rất nhiều công sức và tâm lực. Hiến pháp là đạo luật nền tảng của một quốc gia, tất cả các bộ luật cụ thể đều phải phù hợp với Hiến pháp, nếu không sẽ rơi vào tình trạng “vi hiến”.

Thứ hai, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng phải đồng bộ với các bộ luật và văn bản dưới luật khác. Ví dụ như Luật Dân sự, Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ... hay Pháp lệnh về Dân chủ cơ sở chẳng hạn. Luật Đất đai và các bộ luật nằm trong khung pháp lý chung phải tương thích với nhau. Nếu không sẽ gặp phải tình trạng chồng chéo, phủ định nhau giữa các bộ luật như đã từng xảy ra.

Ông có thể nói rõ hơn là chồng chéo ở những chỗ nào?

- Luật Đất đai 2003 có quy định giao đất cho cộng đồng, nhưng Bộ luật Dân sự lại không thừa nhận cộng đồng là chủ thể có tư cách pháp nhân, và ai đứng ra đại diện cộng đồng để nhận giao đất. Những địa phương như Điện Biên, Quảng Nam đã từng tiên phong thực hiện giao đất cho cộng đồng theo Luật Đất đai 2003, nhưng các tỉnh trên đều vướng phải cái này và bật ra. Vì vậy, việc sửa đổi phải đạt được tính đồng bộ giữa các bộ luật. Muốn vậy, đầu tiên phải chuẩn hóa khái niệm “cộng đồng dân cư”. Phải giải quyết vấn đề này bằng Hiến pháp, không thể giải quyết bằng từng bộ luật riêng rẽ.

 

Trở lại việc giao đất cho “cộng đồng dân cư” bị vướng mắc giữa các bộ luật, theo ông cần phải chuẩn hóa khái niệm này như thế nào?

- Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ở khoản 3, Điều 5 (người sử dụng đất) định nghĩa: “Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và các điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ”. Nếu coi đơn vị “thôn làng” là một “cộng đồng dân cư”, tôi thấy khái niệm đó không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Mấy chục năm xáo trộn dân cư, đến ngay cả các thôn làng người Kinh ở đồng bằng cũng không còn giữ được sự thuần nhất về thành phần. Trong các thôn làng của người Kinh hiện nay, không chỉ có dân nhập cư, mà còn có sự khác nhau về nghề nghiệp; do vậy, giữa các thành phần dân cư có những khác biệt về văn hóa cũng như thông lệ trong ứng xử.

Nhưng dẫu sao, các thôn làng người Kinh đều thuần nhất về thành phần tộc người, việc tìm kiếm tiếng nói chung giữa các thành viên trong cộng đồng cũng dễ hơn. Ở vùng tộc người thiểu số, đa phần các thôn làng đều có thành phần dân cư khá phức tạp, có thôn làng 2-3 tộc người cùng sinh sống. Như vậy, ngay trong một thôn làng cũng khó có được sự “thống nhất về phong tục tập quán”?

Còn nếu là cộng đồng dân cư được xác định là ngõ xóm, là các nhóm tộc người hay các dòng họ đang xen cư trong một thôn làng, thì bối cảnh còn phức tạp hơn. Thứ nữa, cộng đồng dân cư ở cấp cơ sở (thôn làng) là gì: Nó là đơn vị tự quản, hay đơn vị cấp Nhà nước nối dài của xã?

Bây giờ mà nói là tự quản cũng không đúng nữa, vì không còn tự quản được nữa, không còn định chế tự quản, quản lý như trước, trước hết là tự quản về mặt tài nguyên, sau nữa là các hoạt động kinh tế, văn hóa, tâm linh. Đất đai giờ là quản lý của Nhà nước. Khi cộng đồng không còn quản lý đất đai thì cũng không còn cơ sở để quản lý những cái khác.

“Luật Đất đai và các bộ luật nằm trong khung pháp lý chung phải tương thích với nhau. Nếu không sẽ gặp phải tình trạng chồng chéo, phủ định nhau giữa các bộ luật như đã từng xảy ra”.

Trong bối cảnh hiện nay, việc chuẩn hóa khái niệm “cộng đồng dân cư” phải dựa trên mấy tiền đề thực tiễn cơ bản, như: Hiện trạng khuôn vi thôn làng; sự đồng thuận của các thành phần dân cư trong thôn làng - không kể thành phần tộc người, tôn giáo, tín ngưỡng - thể hiện qua các thỏa ước/quy ước/hoặc hương ước; có bộ máy tự quản do dân cử. Vấn đề còn lại cần được khẳng định trong Hiến pháp: Phải xác định xem cộng đồng dân cư có phải là một chủ thể có quyền về tài sản hay không?

Trong các bộ luật hiện nay, “cộng đồng dân cư” được xác định là “phum, ấp bản, làng, buôn, bon, plây…” gọi chung là đơn vị cấp “thôn”. Vậy cấp thôn được định dạng là cái gì? Trong khuôn khổ pháp lý, nó có tư cách gì? Nếu là một đơn vị tự quản, thì giới hạn tự quản của nó đến đâu? Nó có những quyền gì? Chỉ khi Hiến pháp trao quyền cho nó, thì Luật Đất đai, Luật Dân sự mới có căn cứ để trao quyền được.

Trong trường hợp câu chuyện nêu trên chưa giải quyết được bằng sửa đổi Hiến pháp, liệu có thể trông đợi có “đột phá” nào trong việc giao đất cho cộng đồng dân cư trong khuôn khổ Luật Đất đai (sửa đổi)?

- Nếu như chưa giải quyết được những vấn đề trên bằng Hiến pháp, tôi cho là sẽ rất khó giải quyết tận gốc các vấn đề nêu trên bằng luật. Vẫn biết rằng, dù còn nhiều việc phải làm, nhưng trước hết phải chuẩn hóa được khái niệm “cộng đồng dân cư”. Không làm được điều này, không bao giờ Nhà nước có thể giao đất, giao rừng cho cộng đồng được.

Việc giao đất cho cộng đồng giờ cũng đặt ra nhiều vấn đề, không chỉ về mặt pháp nhân, về tư cách tiếp nhận giao đất, giao rừng hay người đại diện cho cộng đồng ấy, mà còn nằm ở chỗ, quỹ đất lấy từ đâu? Nhà nước cũng cần giải quyết vấn đề này bằng các bộ luật.

Ngoài ra, ông hy vọng lần sửa đổi Luật Đất đai này sẽ đạt được những tiến bộ nào?

- Với những sửa đổi tiến bộ về một số mặt, dự thảo này nếu được thông qua, có thể khắc phục được một số hạn chế về mức hạn điền, thời hạn sử dụng đất… Tôi hy vọng những ý kiến đóng góp về mức đền bù, sự tham gia của người dân trong quy hoạch, giám sát/minh bạch hóa quản lý đất đai sẽ được tiếp thu và đưa vào chỉnh sửa.

Tôi cũng hy vọng có sự cải thiện trong vấn đề định giá đất để khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Chẳng hạn, nên có một cơ quan định giá đất độc lập, có thể trực thuộc Quốc hội. Nhà nước cũng nên rà soát quỹ đất từ các chủ thể nông lâm trường, thu hồi diện tích đất sử dụng kém hiệu quả, không hợp lý để bổ sung vào quỹ đất quốc gia, từ đó phân bổ cho các mục tiêu khác, như giao cho cộng đồng, cho người dân miền núi đang thiếu đất để có thêm nguồn vốn sinh kế cho họ…

Xin cảm ơn ông!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 215

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 212


Hôm nayHôm nay : 61644

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 177514

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60499471