Hiệu quả bước đầu
Xã Gio Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị, được chọn thí điểm mô hình điện khí hóa nông thôn ở khu vực miền trung - Tây Nguyên từ năm 1995.
Chủ tịch UBND xã Gio Hải Trần Thanh Chương cho biết: Ðiện về Do Hải đã làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí của người dân địa phương. Có điện, hàng loạt ngành nghề được hình thành và phát triển mạnh, như chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, chế biến thủy hải sản. Ðến nay, một phần của xã Gio Hải đã được tách ra nâng cấp thành lập thị trấn Cửa Việt.
Sau giai đoạn thí điểm thành công, năm 1996, khu vực miền trung được đầu tư gần 200 tỷ đồng đưa điện về trung tâm cho 120 xã. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng các công trình vẫn triển khai, hoàn thành đúng tiến độ. Kết quả là đến cuối năm 2000, số xã có điện là 81% và hơn 70% số hộ gia đình có điện, vượt chỉ tiêu đề ra. Vào thời điểm ấy, điện về nông thôn được coi như một bước ngoặt quan trọng, mang lại động lực phát triển đối với nhiều làng quê.
Bước vào giai đoạn phát triển mới với quyết tâm đẩy mạnh công cuộc điện khí hóa nông thôn được Chính phủ tiếp tục đề ra mục tiêu phấn đấu có khoảng 90% số hộ dân nông thôn được dùng điện giai đoạn 2000 - 2010. Vào thời điểm ấy, ở miền trung vẫn còn hơn 18%, với gần 300 xã chưa có điện lưới quốc gia. Các xã này hầu hết nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ địa cách mạng. Những khó khăn thách thức trong việc điện khí hóa khu vực này là vô cùng lớn. Ðó là địa bàn quá rộng, dàn trải, địa hình khó khăn, phức tạp, thời tiết khắc nghiệt; khối lượng công việc lớn, thời gian triển khai ngắn; yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra hết sức nặng nề vì liên quan mật thiết đến đời sống và kỳ vọng của người dân.
Từ năm 2000 đến nay là giai đoạn đầu tư phát triển mạnh mẽ của hệ thống lưới điện miền trung, nhiều dự án điện được Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, Tổng công ty Ðiện lực miền trung (EVNCPC) đầu tư xây dựng như: Dự án lưới điện nông thôn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); các dự án mở rộng lưới điện các xã nông thôn, miền núi; các dự án Năng lượng nông thôn I (REI), REI mở rộng, REII; dự án thành phần lưới điện phân phối nông thôn RD... Hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn được triển khai bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh. Bên cạnh việc thực hiện REI bằng vốn vay của WB, EVNCPC đã dùng nguồn vốn tự có đầu tư xây dựng hệ thống điện hoàn chỉnh cho toàn bộ các xã trong vùng dự án và kể cả các xã quá khó khăn. Ðến cuối năm 2004, bản đồ điện khí hóa nông thôn khu vực miền trung có sự thay đổi nhanh chóng, tỷ lệ số xã có điện đạt 98% với 86% số hộ được sử dụng điện, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu và kế hoạch đề ra.
Tạo đà phát triển nông thôn, miền núi
Thành quả này đã tạo nên tiền đề quan trọng, là "cú hích" cho nhiều địa phương phát triển. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng điện năng, nâng cấp lưới điện đã xuống cấp, mất an toàn của lưới điện nông thôn và tiếp tục đầu tư cấp điện đến các thôn, buôn làng, các hộ dân chưa được dùng điện... EVNCPC tiếp tục triển khai giai đoạn 2 dự án năng lượng nông thôn trên địa bàn 239 xã khu vực miền trung. Ðồng thời, chủ động phối hợp với hai tỉnh Ðác Lắc, Ðác Nông tiếp tục đưa điện về 73 thôn, buôn là vùng căn cứ cách mạng... Tháng 4-2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình cấp điện cho những buôn, làng chưa có điện ở năm tỉnh Tây Nguyên. Chương trình thực hiện cấp điện cho hơn 62 nghìn hộ dân, với tổng số vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2010. Quy mô đầu tư của dự án này ngoài việc xây dựng đường dây trung, hạ thế, trạm biến áp phân phối và công tơ, còn đầu tư cả mạng điện trong nhà cho các hộ dân... Dự án này đã nâng tỷ lệ số hộ có điện tại khu vực Tây Nguyên đạt gần 96%, một con số trước đây ít ai có thể hình dung là sẽ hoàn thành nhanh như vậy. Ðiều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng, Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên. Ðến nay, các tỉnh miền trung - Tây Nguyên đã có 100% số huyện, 99,3% số xã, 97,25% số hộ nông thôn, miền núi dược sử dụng điện lưới quốc gia. Tổng Giám đốc EVNCPC Trần Ðình Thanh cho biết: Mục tiêu của EVNCPC đến năm 2015 là 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện, đến năm 2020, cơ bản tất cả các xã, các thôn, làng và người dân nông thôn miền trung - Tây Nguyên đều có điện.
Bước vào thời kỳ cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, điện nông thôn tiếp tục là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu. Hiện nay, ở khu vực miền trung, mặc dù các hộ sử dụng điện vẫn được bảo đảm thường xuyên, nhưng hệ thống điện nhiều nơi chưa bảo đảm kỹ thuật, tổn thất lớn, chất lượng điện áp kém. Vì vậy đầu tư xây dựng lưới điện cho khu vực này đạt tiêu chuẩn là điều cực kỳ khó khăn và tốn kém. Ðể giải quyết vấn đề này, EVNCPC đã chỉ đạo các Công ty Ðiện lực trực thuộc và Ban QLDA điện nông thôn miền trung ưu tiên tập trung nguồn lực, phối hợp cùng chính quyền địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình điện khí hóa nông thôn, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn