Ðến xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, dễ dàng nhận thấy sự thay đổi trong tập quán SX của bà con nơi đây.
Từ tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ, đã được thay thế bằng hình thức SXNN theo hướng hàng hóa, hiện đại và bền vững.
Vinh dự được chọn làm điểm xây dựng NTM của TP Hà Nội, xã Đại Thắng nhanh chóng xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cho từng thời kỳ, giai đoạn cụ thể. Qua triển khai, thực hiện, từ chỗ có 1 tiêu chí đạt chuẩn, đến nay xã đã có 19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt.
Kết quả trên cho thấy bước đi đúng đắn trong công tác chỉ đạo, điều hành của BCĐ xây dựng NTM tại địa phương. Đặc biệt, Đại Thắng là xã đi đầu huyện Phú Xuyên trong việc đưa cơ giới hóa vào SXNN đạt hiệu quả.
Xác định công tác tổ chức SX, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào SX, nâng cao thu nhập cho nông dân là những mục tiêu trọng tâm trong xây dựng NTM, ngay từ những ngày đầu, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Phú Xuyên, xã Đại Thắng đã thực hiện đúng với nội dung Đề án xây dựng NTM của Thành ủy Hà Nội.
Để tạo điều kiện trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và đưa cơ giới hóa vào SXNN được thuận lợi, nhằm tăng năng suất, giảm bớt sức lao động của nông dân, xã Đại Thắng đã thực hiện phương án dồn điền đổi thửa từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. Đến nay, công tác dồn điền đổi thửa 100% diện tích đất SXNN đã thực hiện thành công, tạo nền tảng để xã tổ chức SX và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới.
Để ghi nhận, biểu dương những thành tích đạt được, trong 3 năm (2011 - 2013) xã Đại Thắng được UBND TP Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2013.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Chủ nhiệm HTXNN Đại Thắng, cho biết, hiện nay toàn xã có 8 máy cấy, 6 máy làm đất 34 mã lực, đội ngũ xã viên có đủ năng lực và làm chủ kỹ thuật để triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng.
Xã Đại Thắng xác định trong vụ sắp tới tiếp tục thực hiện SX mạ khay và cấy bằng máy trên diện tích 82,6 ha, lúa hàng hóa chất lượng cao ở 4 thôn của xã, vượt mức kế hoạch được giao (đạt 122%), đánh dấu bước đột phá, thể hiện quyết tâm đưa cơ giới hóa vào SXNN.
Ông Lương Văn Hiền, Trưởng thôn Văn Hội, cho biết: “Để người dân hiểu rõ những lợi ích của cơ giới hóa SXNN đem lại, các thôn trong xã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, giới thiệu về lợi ích của các loại máy ứng dụng vào nông nghiệp.
Sau khi mở các lớp tập huấn, thôn chọn thí điểm ở những hộ gia đình có nhu cầu thử nghiệm SX lúa chất lượng cao, bằng phương pháp cấy máy. Trong lần thử nghiệm đầu tiên, năng suất và chất lượng lúa được nâng cao rõ rệt, đặc biệt là sức đề kháng của cây trồng rất tốt. Chính vì vậy mà sau gần 4 năm triển khai, nhu cầu sử dụng mạ khay, máy cấy của người dân trong thôn rất cao”.
Chính việc chú trọng đầu tư máy móc trong SXNN đã giúp người nông dân tận dụng sức người, giảm bớt chi phí SX. Bà Lương Thị Đức, thôn Văn Hội, chia sẻ: “Hiện nay, giá cấy một sào bằng phương pháp mạ khay, máy cấy mất khoảng 150.000 đồng, tiết kiệm hơn so với cấy tay và giảm được thời gian, công sức cho việc gieo mạ”.
Theo: nongnghiep.vn