Liên kết vùng trong QHXD xã NTM
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, nhìn chung chất lượng các đồ án QHXD xã NTM đáp ứng được yêu cầu là cơ sở cho việc xây dựng các Đề án xây dựng NTM xã trong giai đoạn trước mắt, phục vụ tốt cho công tác xây dựng NTM theo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020.
Thực hiện Nghị quyết 26 NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự tham gia của các bộ, ngành, cấp chính quyền địa phương và nhân dân, từ năm 2009 đến nay, Việt Nam tập trung xây dựng NTM trên quy mô lớn, toàn diện. Trong thời gian ngắn này, Việt Nam đã đạt một số thành tựu quan trọng: Trên 93% số xã trong cả nước đã lập và được phê duyệt QHXD xã NTM.
Bên cạnh những thành quả đạt được, các đồ án cũng bộc lộ một số hạn chế. Các đồ án QHXD xã NTM đáp ứng được yêu cầu trước mắt, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài trên địa bàn xã. Đồ án QHXD NTM thiếu tính liên kết vùng trong các mặt tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng hạ tầng khung, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cấp huyện, tạo điều kiện tiết kiệm trong đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị…
Phân tích vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng (Bộ Xây dựng) Đàm Quang Tuấn cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM hiện nay, các địa phương chỉ mới tập trung vào việc lập đồ án QHXD và phấn đấu “lấp đầy” 19 tiêu chí đã đề ra để đạt “xã đạt chuẩn NTM”. Thường thì đồ án QHXD xã NTM hoạch định chủ yếu các không gian chức năng, các khu vực sản xuất, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống trong phạm vi địa bàn một xã. Thiếu sự liên kết vùng, từng đồ án QHXD xã NTM riêng lẻ không hoạch định được hệ thống các trung tâm nông thôn, điểm dân cư tập trung, tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân nông thôn; không gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị; không thúc đẩy quá trình đô thị hoá tại chỗ trong khu vực nông thôn.
Tương tự, trong phát triển hạ tầng, từng đồ án QHXD xã NTM riêng lẻ thiếu sự hoạch định về hạ tầng đầu mối khu vực liên xã; thiếu tính liên kết trong việc phát triển sử dụng chung cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật đối với các xã cạnh nhau.
Về phát triển sản xuất, các đồ án thiếu tính liên kết trong việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn, không tạo được tính cạnh tranh và thương hiệu, khả năng đầu tư công nghệ thấp…
Thiếu liên kết vùng, các đồ án QHXD xã NTM không tạo được các vùng sản xuất liên kết quy mô lớn cho sản xuất hàng hoá lớn, không tạo môi trường tốt cho đẩy nhanh CNH, HĐH. Sự phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn sẽ mang tính manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu trọng tâm, gây lãng phí trong đầu tư…
Chú trọng triển khai quy hoạch vùng huyện
Theo ông Đàm Quang Tuấn, để khắc phục tình trạng trên, cần thiết tiến hành lập QHXD vùng huyện và quy hoạch phải mang tính đa ngành.
Mặc dù Luật Quy hoạch xây dựng quy định các địa phương phải lập QHXD vùng tỉnh, vùng huyện tuy nhiên trên thực tế, các địa phương chưa thực hiện lập QHXD vùng huyện mà mới tập trung cho QHXD vùng tỉnh (hoặc trước đó đã phê duyệt quy hoạch hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn) và QHXD xã NTM. Trong khi đó, các đồ án QHXD vùng tỉnh chủ yếu hoạch định hệ thống chức năng đô thị và chức năng chính khác của tỉnh, chưa hoạch định các không gian cụ thể. Phần lớn trong các đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đều chỉ tập trung đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng cho khu vực đô thị và các khu chức năng đặc thù mà chưa thể hoạch định được tất cả vấn đề phát triển trên địa bàn huyện, chưa coi trọng khu vực nông thôn.
Đối với khu vực nông thôn, QHXD vùng tỉnh mới chỉ mang tính chủ trương, định hướng, thiếu hoạch định cụ thể, đồng bộ các khu chức năng, hạ tầng cho khu vực liên xã. Đơn cử, QHXD vùng tỉnh hoạch định mạng lưới đường giao thông đến tuyến huyện nhưng không đề cập chi tiết mạng lưới giao thông từ tuyến huyện xuống tuyến liên xã.
Do vậy, trong giai đoạn rà soát, nâng cao chất lượng đồ án QHXD NTM hiện nay, các nhà chuyên môn đã khiến nghị các chính quyền địa phương, các nhà quản lý quan tâm đến yếu tố liên kết vùng. Đây một điểm, yếu tố để nâng cao chất lượng QHXD xã NTM, để xây dựng, phát triển xã NTM đạt được mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài. Liên kết vùng được thể hiện qua các đồ án QHXD vùng tỉnh và vùng huyện. Trong đó, QHXD vùng huyện đề cập chi tiết các vấn đề được hoạch định hơn so với QHXD vùng tỉnh. “QH vùng tỉnh, vùng huyện tạo ra tính liên kết giữa các khu vực xã nông thôn. Do vậy, cần phải để ý, xây dựng ngay từ đầu, tạo ra sự liên kết trong các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, công trình xử lý chất thải, nghĩa trang… Như vậy, sẽ tránh được sự đầu tư lãng phí sau này”- ông Đàm Quang Tuấn một lần nữa khẳng định.
Quý Anh
Nguồn baoxaydung.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn