Cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL đang lớn dần Ảnh: LÊ KHÁNH
Liên kết lỏng lẻo, đầu ra không ổn định Mô hình CĐML cho vụ Đông Xuân 2011 - 2012 của huyện Tam Nông (Đồng Tháp) khoảng 3 nghìn ha được thực hiện tại 10 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn, được nhiều doanh nghiệp (DN) và nông dân (ND) hưởng ứng tham gia. Năng suất bình quân là 6,5 tấn/ha (lúa tươi), giá cả cũng cao hơn thị trường bên ngoài 200 đồng/kg. Với bước đầu thuận lợi, người dân đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích và ký kết tiêu thụ với DN. Tuy nhiên, theo nhận định của Trạm Khuyến nông, Khuyến ngư huyện Tam Nông, thời gian qua tính liên kết trong mô hình CĐML còn lỏng lẻo, mang tính thời vụ, thiếu sự ràng buộc... Mô hình này mới chỉ giúp người dân sản xuất tốt nhưng chưa tìm được đầu ra ổn định. Bà Lê Thị Kim Thúy (cán bộ Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp) đúc kết: Năm 2012, thông qua thực hiện mô hình CĐML, sản lượng lúa được các công ty thu mua trong năm khoảng 28.739 tấn (chỉ đạt 26% sản lượng thu hoạch của 3 vụ), số lúa còn lại ND phải tự tiêu thụ bằng cách tự liên hệ bán cho thương lái bên ngoài. Bên cạnh đó ND và DN chưa thống nhất trong việc tính giá vật tư, địa điểm giao nhận và xác định giá lúa theo thị trường tại thời điểm mua lúa ở địa phương. Mô hình CĐML trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng giúp cho ND ở đây tiếp cận kỹ thuật trồng mới, giúp giảm giá thành, tăng năng suất. Tuy nhiên theo Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn vẫn còn nhiều ND trồng giống lúa kém chất lượng, tỷ lệ hộ dân ghi chép sổ tay chưa đầy đủ. Điều đáng lo ngại nhất là việc ký hợp đồng giữa DN và ND còn nhiều bất cập, cụ thể mối liên kết bao tiêu sản phẩm chưa chặt chẽ và bền vững. Không chỉ riêng ở Đồng Tháp và Tiền Giang, ở huyện Vĩnh Thạnh - một trong những huyện có diện tích sản xuất CĐML nhiều nhất của thành phố Cần Thơ, cũng gặp một số khó khăn cụ thể là năng lực ban điều hành CĐML còn nhiều hạn chế, các thành viên chưa được đào tạo một cách bài bản, kinh nghiệm quản lý chưa nhiều. Ngay cả việc ghi chép nhật lý đồng ruộng còn chưa đạt yêu cầu. Trong một cuộc họp mới đây bàn về thực hiện mô hình CĐML tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã nhận định: Hiện nay mối liên kết giữa ND và DN thu mua lúa vẫn chưa tốt, các tiêu chí về chất lượng lúa để doanh nghiệp thu mua chưa được công bố, việc sản xuất theo đơn đặt hàng của DN chưa phổ biến. Các địa phương chủ động triển khai nhiều giải pháp Cũng theo ông Dư, để xây dựng tốt mối liên kết giữa DN và ND, về phía người ND cần sản xuất lúa theo đúng quy trình thực hiện của CĐML, phải cam kết luôn đảm bảo đủ sản lượng lúa theo đơn đặt hàng. Còn về DN, phải cam kết mua đúng thời điểm, đảm bảo giá cả phù hợp. Về lâu dài sự liên kết này cần tích cực hơn nữa. Các DN ký kết hợp đồng khép kín từ khâu cung cấp vật tư đến tiêu thụ lúa, đây là một quy trình khép kín hoàn hảo. Tuy nhiên do năng lực DN còn hạn chế nên còn quá ít DN tham gia hình thức này. Nhiều chuyên gia đã nhận định, để mục tiêu xây dựng CĐML ngày một thành công đúng, trước tiên các địa phương phải chủ động, linh hoạt trong các điều kiện vốn có, không nên trông chờ. Tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tìm kiếm đối tác tiêu thụ lúa, vận động nhân dân tham gia CĐML. DN đầu tư vào CĐML cần sớm có kế hoạch để các HTX chủ động trong sản xuất và vận động xã viên tham gia, yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, DN cần tăng cường đầu tư thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết như nhà kho, lò sấy, máy gặt đập liên hợp,... để thu mua lúa được nhanh chóng và thuận lợi. Quốc Trung daidoanket.vn |
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn