Đây là kết quả được Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo tại Hội nghị tổng kết 15 năm Chương trình nông thôn miền núi, tại Hà Nội.
Thu nhập ổn định nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật
Trong số những dự án thành công, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm Tu hài” do Công ty TNHH Đỗ Tờ chủ trì thực hiện tại Quảng Ninh được Văn phòng chương trình nông thôn miền núi nhắc tới như một minh chứng cho thành công.
Theo đó, dự án đã tiếp nhận thành công quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài tại Vân Đồn, Quảng Ninh.
Dự án đã hình thành nghề nuôi tu hài chất lượng cao, tạo việc làm ổn định, thu nhập khá cho hơn 120 lao động, doanh thu tăng từ 2 tỷ đồng/năm lên 10 tỷ đồng/năm. Sau khi dự án kết thúc, Công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Đồng thời, cung cấp giống cho từ 300 đến 500 hộ ngư dân địa phương nuôi tu hài ổn định.
Hay như dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei Boone, 1931) vụ Thu Đông trên vùng đất cát Hà Tĩnh” do Công ty cổ phần Bảo Sơn chủ trì thực hiện đã tiếp nhận và ứng dụng thành công công nghệ nuôi tôm trên cát vụ Thu Đông đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ đó giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn chuyển từ nuôi tôm 1 vụ sang nuôi 2 - 3 vụ, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn vụ Thu Đông với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Những sản phẩm của chương trình được giới thiệu rộng rãi. |
Sau khi kết thúc, dự án đã mở rộng thêm được 06 mô hình nuôi tôm trên cát ở huyện Nghi Xuân mỗi năm thu lợi nhuận hàng tỷ đồng/ha. Thông qua việc thực hiện dự án, Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức lương bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, Bộ KHCN được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì chương trình, trong vòng 15 năm (1998-2015), chương trình đã huy động 80 cơ quan KHCN trung ương và lực lượng cán bộ KHCN của địa phương làm công tác chuyển giao công nghệ.
Từ 845 dự án của chương trình đã xây dựng được 2.501 mô hình sản xuất. Các mô hình này chính là những mẫu hình về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN có tính đại diện cho địa bàn triển khai, do chính người dân được tập huấn kỹ thuật thực hiện. Theo đó từ lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đến thủy sản, bảo quản, chế biến sau thu hoạch… đã được các dự án phủ kín.
Cần lựa chọn công nghệ phù hợp
TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả đánh giá cao những kết quả mà chương trình đã đem lại cho cả cơ quan nghiên cứu cũng như người dân hưởng thụ dự án.
Trong 15 năm qua, Viện Nghiên cứu Rau quả đã chuyển giao cho 22 tỉnh, thành trong cả nước, từ Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, đến Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh,… các giống rau, hoa, quả mới và quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái bảo quản, rau, hoa, quả nên TS Đông hiểu được yếu tố quan trọng để chuyển giao công nghệ thành công.
Theo đó TS Đông cho rằng, do đặc thù ở Việt Nam khác với một số nước có nền kinh tế phát triển đó là những đối tượng thụ hưởng các thành quả khoa học đại đa số là người nghèo và tập trung nhiều ở các vùng nông thôn, miền núi.
“Đã là dân nghèo thì ít có cơ hội tiếp xúc chứ chưa nói là được ứng dụng các kết quả do các nhà khoa học nghiên cứu ra, ngược lại các nhà khoa học với kinh phí đầu tư của Nhà nước có hạn, lương thấp, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn cũng rất khó có điều kiện thương mại hóa hoặc chuyển giao kết quả của mình tới trực tiếp cho người dân”, TS Đông nêu vấn đề.
Vì vậy, TS Đông cho rằng, để phát huy được hơn nữa hiệu quả của Chương trình này thì việc lựa chọn công nghệ và cơ quan chuyển giao công nghệ là việc cực kỳ quan trọng, quyết định rất lớn tới hiệu quả, thành công của các dự án cũng như của cả Chương trình.
“Công nghệ chuyển giao phải phù hợp (hoặc điều chỉnh cho phù hợp) với địa phương, vùng miền và đối tượng tiếp nhận dự án: Có thể cơ quan khoa học nghiên cứu được rất nhiều bộ giống, quy trình công nghệ, nhưng không phải tất cả các sản phẩm đó đều có thể được chuyển giao mà phải tùy địa phương với các điều kiện sinh thái, tập quán canh tác, khả năng kinh tế, thị trường để lựa chọn chuyển giao, có như vậy hiệu quả mới cao và mới bền vững”, TS Đông nói.
Còn TS. Nguyễn Hồng Vĩ, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc, Chủ nhiệm dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình thì chỉ thêm các yếu tố khác.
Theo đó TS Vĩ cho rằng, để chuyển giao công nghệ thành công, đơn vị chủ trì dự án phải có đủ tiềm năng về con người, chuyên môn khoa học và chủ động nguồn vốn để cung cấp kịp thời trong trường hợp vốn của dự án về chậm.
Chủ nhiệm dự án phải có chuyên môn về chuyên ngành chuyển giao công nghệ của dự án, có kinh nghiệm chuyển giao công nghệ liên quan đến dự án ít nhất 3 năm, đã từng là chủ nhiệm dự án hoặc đề tài cấp nhà nước về chuyên ngành gần với yêu cầu của dự án.
Đặc biệt, về thị trường tiêu thụ sản phẩm: Đơn vị chủ trì chủ động khảo sát thị trường tiêu thụ sản phẩm, tư vấn cho bà con tiêu thụ sản phẩm của dự án. Trong nội dung tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân cần bổ sung thêm nội dung về kỹ năng tiêu thụ sản phẩm, việc liên kết chăn nuôi với tiêu thụ sản phẩm của dự án.
“Đơn vị chủ trì dự án là nơi khâu nối giữa các hộ chăn nuôi với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Trước khi tổ chức triển khai dự án cần có kế hoạch ký kết, giới thiệu các đơn vị, cá nhân tiêu thụ sản phẩm của dự án chủ động”, TS Vĩ góp ý.
Theo: khampha.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn