Đường vào xã Hà Mòn. Ảnh: VGP/Mai Vy |
Toàn xã có hơn 1.500 ha cà phê (chiếm hơn 70% tổng diện tích cây trồng), năng suất 15 tạ/ha. Hiện giá cà phê tươi đầu vụ cao hơn năm ngoái từ 1-1,5 triệu đồng/tấn, hứa hẹn một vụ mùa sung túc đền trả công sức bà con bỏ ra. Diện mạo một vùng nông thôn phồn thịnh dần hiện ra.
Diện mạo nông thôn mới
Cũng như các địa phương ở Tây Nguyên, kinh tế nông nghiệp tại Hà Mòn dựa nhiều vào cây cà phê và cao su. Tuy nhiên, không để tình trạng mất cân bằng lương thực, Hà Mòn đã sớm qui hoạch các vùng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn từng thôn.
Từ đó, các khu vực trồng cà phê, cao su, lúa, cây ngắn ngày, trồng nấm, nuôi ong, nuôi cá lồng trên lồng hồ thủy điện Plei Krông hình thành bên cạnh các hộ gia đình kinh doanh vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, xưởng gỗ, lò rèn …
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Hà Mòn cho biết, cách nghĩ của người dân đối với cây cà phê, loại cây chủ lực tại địa phương đã thay đổi và họ tự trang bị máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất giúp giảm chi phí, công sức, nâng cao giá trị cà phê.
Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, bà con đã được đào tạo kỹ thuật thu hái cà phê đảm bảo chất lượng 95% quả chín trở lên, nâng cao giá trị nông sản, tạo thêm việc làm cho bà con ở các xã khác.
Hiện ở xã này, có tới 91,8% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, các hộ gia đình chăn nuôi được hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt hầm bioga vừa có khí đốt sử dụng, vừa giữ vệ sinh môi trường nông thôn; …
Nhiều tiêu chí về nông thôn mới khó đạt như cơ cấu lao động (lao động trong nông nghiệp đã giảm còn 39,7% so với tiêu chí chuẩn là dưới 40%), hình thức tổ chức sản xuất (đa dạng các hình thức giúp người dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập), cơ sở vật chất văn hóa (9/9 thôn có nhà văn hóa, khu vui chơi) cũng đã được hoàn thiện.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hòa, gốc Nghệ An, chuyển vào vùng kinh tế mới từ những năm 1980 cho biết, họ rất phấn khởi khi thấy cuộc sống giờ sung túc hơn xưa. Đường sá sạch sẽ tinh tươm, con cái có chỗ học hành, vui chơi. Gia đình bà cũng khấm khá hẳn lên nhờ chuyển qua trồng cà phê.
Người dân Hà Mòn phơi cà phê. Ảnh: VGP/Mai Vy |
Bài học huy động sức dân
Nhận thức vai trò chủ đạo của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Hà Mòn đã huy động cán bộ đảng viên vào cuộc, giải thích cặn kẽ giúp người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm đối với công cuộc đổi mới diện mạo nông thôn, nơi mình sinh sống, tạo sự đồng lòng, nhất trí, đồng tâm hiệp lực của nhân dân.
Ông Nguyễn Ngọc Đại cho biết, ở Hà Mòn, mỗi đảng viên được phân công phụ trách một nhóm hộ, qua đó nắm rõ tâm tư, nguyện vọng cũng như những khó khăn, thiếu thốn của bà con để kịp thời kiến nghị lên xã tìm cách hỗ trợ hoặc huy động chòm xóm giúp sức.
Với phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, trong khi ngân sách trung ương và địa phương chỉ phải hỗ trợ khoảng 24%, doanh nghiệp hỗ trợ 6%, các nguồn vốn lồng ghép từ chương trình, dự án chiếm 1%, số còn lại, người dân Hà Mòn đóng góp (bằng ngày công, hiến đất, hiến vườn, hoa màu, tiền của).
Điển hình như nhân dân thôn Quyết Thắng không nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để bê tông hóa kênh N8; thôn Thống Nhất, Bình Minh góp công, góp tiền tự làm cầu dân sinh, cống thoát nước; người dân xóm 1 thôn 1 đóng góp tiền nâng cấp hệ thống đường điện sinh hoạt; các thôn tự đóng góp xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công lộ, xây nhà văn hóa ...
Đường sá Hà Mòn khang trang, thuận tiện. Ảnh: VGP/Mai Vy |
Từ đó, diện mạo nông thôn mới hình thành qua việc hoàn thiện từng tiêu chí. 100% trục đường chính của xã được nhựa hóa; 72,2% trục đường thôn, xóm được bê tông hóa (7,8/10,8 km); 100% đường ngõ xóm được cứng hóa không lầy lội, giúp cho xe cơ giới đi lại thuận lợi, tạo điều kiện cho việc cơ giới hóa trong sản xuất.
Năm 2011, 18/19 km kênh mương đã được kiên cố hóa còn nhờ sự đồng thuận của người dân hiến đất, hoa màu, cây tròng với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài việc 100% người dân được sử dụng điện trong sinh hoạt, bà con Hà Mòn đã đóng góp nâng cấp đường điện sinh hoạt, xây dựng đường điện thắp sáng trên tất cả đường giao thông trục chính liên thôn với số tiền gần 300 triệu đồng.
Có thể thấy rằng, Hà Mòn đã “lấy sức dân lo cho cuộc sống người dân” và đây chính là gốc của vấn đề xây dựng và phát triển nông thôn mới bền vững.
Mai Vy
Theo baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn